Lê Quý Đôn
Quê quán
Độc Lập - Hưng Hà - Thái Bình (Diên Hà - Sơn Nam Hạ)
Tên khác
Doãn Hậu
Quế Đường
Nhà bác học Lê Quý Đôn (黎貴惇) tên thật là Lê Danh Phương - một sử gia Việt Nam thời Hậu Lê, tự Doãn Hậu (允厚), hiệu Quế Đường (桂堂). Ông sinh năm Bính Ngọ (1726) tại làng Diên Hà, trấn Sơn Nam Hạ, nay là thôn Phú Hiếu, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.
Ông xuất thân trong một gia đình khoa bảng lâu đời, thân phụ là Lê Phú Thứ (còn gọi là Lê Trọng Thứ) làm quan triều Lê đến chức Hình bộ Thượng Thư, được phong tước hầu. Thuở nhỏ ông nổi tiếng thông minh, có trí nhớ phi thường được người đương thời xem là thần đồng. Khi viết về tiểu sử của Lê Quý Đôn, các sách xưa có chép nhiều truyền thuyết về khả năng "bác văn cường ký" (博聞彊記) của ông như sau: "hai tuổi đã đọc được chữ hữu 有 và chữ vô 無; năm tuổi đã đọc được nhiều bài trong Kinh Thi (詩經); năm mười tuổi, học sử, mỗi ngày thuộc được 80, 90 chương, học Kinh Dịch (易經) thì mỗi ngày đọc được phần Cương hình và Đồ thuyết; năm mười bốn tuổi đã đọc hết Ngũ Kinh (五經), Tứ Thư (四書), Sử (史), Truyện (傳) và đọc đến Chư tử (諸子). Trong một ngày, Lê Quý Đôn có thể làm 10 bài phú, không phải nghĩ, không phải viết nháp".
Năm Quý Hợi (1743), đỗ giải nguyên; năm Nhâm Thân (1752), đỗ nhất giáp tiến sĩ (Bảng nhãn). Từ thi Hương đến thi Hội đều đỗ đầu cả. Sau này được bổ làm Thị độc tòa Hàn lâm, sung Tư nghiệp Quốc tử giám.
Năm 1754, Lê Quý Đôn được cử giữ chức Hàn lâm viện Thị thư, sung Toản tu Quốc sử quán. Năm 1756, ông phụng mệnh làm việc tại cơ quan mật ở Sơn Nam. Tháng 5-1756, ông được biệt phái sang phủ chúa Trịnh, coi phiên Binh, đến tháng 8 lại được phái đi hiệp đồng với các đạo Sơn Tây, Tuyên Quang, Hưng Hoá, v.v... Năm 1757, ông được thăng lên chức Hàn lâm viện Thị giảng.
Năm Cảnh Hưng thứ 21 (1760), Thái Thượng hoàng Lê Ý Tông mất, triều đình phái một sứ bộ do Trần Huy Mật và Lê Quý Đôn dẫn đầu sang nhà Thanh báo tang và dâng lễ cống. Năm Nhâm Ngọ (1762), khi đi sứ về, Lê Quý Đôn được thăng hàm Hàn lâm viện Thừa chỉ. Bấy giờ văn thư và sách vở của triều đình bị thất lạc nhiều, cho nên có nghị định lập ra Bí thư các để thu thập và tàng trữ, cho nên Lê Quý Đôn và Nguyễn Bá Lân được chọn làm Học sĩ của Bí thư các.
Năm Giáp Thân (1764), ông dâng sớ xin thiết định pháp chế. Trong gần hai năm đi sứ sang Trung Quốc, Lê Quý Đôn đã học hỏi nhiều về tư tưởng chính trị của Trung Quốc. Chính vì thế, sau khi về nước, ông muốn tiến hành cải cách hệ thống chính trị của triều đình phong kiến bấy giờ bằng cách tổng hợp thuyết Đức trị của Nho gia và thuyết Pháp trị của Pháp gia, nhưng nghiêng về Pháp gia hơn để bổ cứu cho tệ lạm dụng quyền hành, chà đạp lên pháp luật của tầng lớp thống trị phong kiến đương thời. Nhưng việc này đã không thành công.
Cũng trong thời gian đi sứ sang Trung Quốc, Lê Quý Đôn đã gặp đoàn sứ thần Hàn Quốc - Triều Tiên và ông đã học thêm được nhiều kiến thức về Triều Tiên thông qua lần đi sứ này. Ông cùng sứ thần Triều Tiên thường xuyên gặp gỡ, trao đổi học thuật, đối đáp và xướng hoạ thi ca. Trong lịch sử phong kiến phương Đông, Đại Việt và Hàn Quốc là những nước "đồng văn" (cùng chung nền văn hoá Nho giáo), cho nên kẻ sĩ của hai nước đều thấm nhuần lời dạy của Khổng Tử. Vì thế, người đi sứ sang Trung Quốc đều là những bậc khoa bảng lớn, học rộng, biết nhiều, có tài văn chương, mẫn tiệp, giỏi ứng đối. Không những thế, phải là những người nắm vững tình hình nước nhà và cả tình hình chính trị, xã hội, đặc biệt là văn hoá của nước mà mình đặt quan hệ bang giao. Trong lần đi sứ này, Lê Quý Đôn đã hoàn thành xuất sắc vai trò của một sứ thần - thắt chặt tình hữu nghị của Đại Việt và Hàn Quốc. Ông đã vận dụng sự hiểu biêt về văn hoá, lịch sử Hàn Quốc của mình trong việc đối đáp, xướng hoạ thi ca cùng với sứ thần Hàn Quốc một cách khéo léo. Chẳng hạn như:
Nguyên văn:
異邦合志亦同方
學術本從先素王
Phiên âm:
Dị bang hợp chí diệc đồng phương,
Học thuật bản tòng Tiên Tố vương.
Tạm dịch:
Tuy nước khác nhau nhưng cùng một chí,
Về đường học thuật, hai nước cùng theo Tiên Tố vương (tức Khổng Tử).
Hoặc là sự ca ngợi nước bang giao:
Nguyên văn:
傘圓概似松山秀
鴨錄應同珥水長
六籍以來多學問
九疇而後更文章
Phiên âm:
Tản Viên khái tự Tùng sơn tú,
Áp Lục ưng đồng Nhị thuỷ trường.
Lục tịch dĩ lai đa học vấn,
Cửu Trù nhi hậu cánh văn chương.
Tạm dịch:
Núi Tản Viên (của nước tôi) đẹp như núi Tùng Nhạc (của nước bạn),
Sông Áp Lục (của nước bạn) cũng dài như sông Nhị Hà (của nước tôi).
Từ khi có Lục kinh đến nay, nước các bạn là nước có nhiều học vấn,
Ngoài thông tỏ Cửu Trù ra, nước các bạn còn là nước có văn chương.
(Trích trong Doanh hải Đông nam)
Sau đó ông được chuyển về Kinh làm Tổng tài Quốc sử quán cùng Nguyễn Hoản khảo duyệt phần Quốc sử Tục biên.
Năm Quý Tỵ (1773), được bổ Phó Đô ngự sử, rồi thăng Hữu thị lang bộ Công, Bồi tụng. Năm 1776, được cử làm Tham thị Tham tán quân cơ các đạo Thuận Hoá, Quảng Nam. Sau đó đổi về Thăng Long làm Hành Tham Tụng tại triều, được phong tước Dĩnh Thành Hầu. Năm 1781, ông được sung chức Quốc sử Tổng tài.
Ngày 2-6 năm Cảnh Hưng thứ 45 (1784), ông mất, hưởng dương 58 tuổi. Sau khi mất được truy tặng Thượng Thư bộ Công tước Dĩnh Thành Công.
Bùi Huy Bích (1744 - 1802), học trò của Lê Quý Đôn đã nhận định về người thầy của mình trong bài Quế Đường Tiên sinh thành phục lễ môn sinh tế văn:
"嗚呼!聰明冠世博極群書能著述為文章足以行世而傳後.我國一二百年乃有一人如夫子!"
Phiên âm:
"Ô hô! Thông minh quán thế bác cực quần thư năng trước thuật vi văn chương túc dĩ hành thế nhi truyền hậu. Ngã quốc nhất nhị bách niên nãi hữu nhất nhân như phu tử!"
Tạm dịch:
"Than ôi! Thông minh nhất đời, đọc rộng hết các sách, soạn ra văn chương đủ lưu hành ở đời và truyền lại về sau. Nước ta một, hai trăm năm nay, mới lại có một người như Thầy".
Lê Quý Đôn là một học giả uyên bác, đa dạng và sung mãn nhất của văn hóa cổ Việt Nam. Giới nghiên cứu thế giới (Pháp) xem ông là nhà bác học về lĩnh vực văn hoá của nước ta. Công trình trước tác và sáng tác của ông là một bộ thư tịch đồ sộ về nhiều lĩnh vực: lịch sử, địa lí, văn học, ngôn ngữ học, triết học...
Về lịch sử - địa lý
-
Đại Việt thông sử
-
Phủ biên tạp lục.
-
Bắc sử thông lục
-
Kiến văn tiểu lục
Về thơ, văn
Và một số thơ, phú bằng chữ Nôm.
Về Triết học
-
Kim Cang Kinh chú giải
-
Thư Kinh diễn nghĩa
-
Dịch Kinh phu thuyết
-
Thái Ất quái vận
-
Thái Ất dị giản lục
Quan niệm về thơ của Lê Quý Đôn: "Làm thơ có 3 điểm chính: một là tình, hai là cảnh, ba là việc. Tiếng sáo thiên nhiên kêu ở trong lòng mà động vào máy tình; thị giác tiếp xúc với ngoài, cảnh động vào ý, dựa cổ mà chứng kim, chép việc thuật chuyện, thu lãm lấy tinh thần... đại để không ngoài ba điểm ấy”
Bộ Quần thư khảo biện (2 quyển) do ông biên soạn Chu Bội Liên và Tần Triều Vu duyệt bình.
Theo bài tựa, sách này làm vào khoảng năm 1757, đầu sách có 4 bài tựa:
1. Bài của Chu Bội Liên (không đề niên hiệu).
2. Bài của Tần Triều Vu, cũng không đề niên hiệu, nhưng cả hai bài đều viết vào khoảng năm Càn Long, từ 1757 đến 1761.
3. Bài của Hồng Khải Hy, sứ thần Triều Tiên (sang triều Thanh). Sau bài này có phụ lá thư (tiểu giản) của Lý Huy Trung người cũng trong sứ bộ Triều Tiên.
4. Bài tự của tác giả, đề năm Đinh Sửu niên hiệu Càn Long thứ 22 (1757).
Về số lượng của sách, theo bài: Première étude sur les Sources annamites de l’histoire d’Annam của L. Cadière và P. Pelliot thì khoảng năm 1904 ở Thư viện Huế có một bản in, không nói bao nhiêu quyển và đoán rằng sách này làm ở Trung Quốc vì đề niên hiệu nhà Thanh. Theo Văn tịch chí của Phan Huy Chú, sách này đã được Trần Công Hiến (Ân Quang hầu) đem khắc ván in, gồm 3 quyển, nhà Hải học đường xuất bản khi ông này làm trấn thủ Hải Dương dưới triều Gia Long (đầu thế kỷ XIX).
Tam đại đến Tống, Nguyên, nhưng đều lấy lịch sử, làm thể tài và chứng dẫn cụ thể.
Sau mỗi mục lại có lời phê bình của hai học giả Trung Quốc Chu Bội Liên hay Tần Triều Vu, có điều đồng ý, có điều cần bàn thêm, cũng có điểm được phê rõ là sáng tạo mới. Thí dụ: việc phân chia các nước chư hầu nói trong kinh thư (mục 1, 2, 3); việc nhà Chu tìm nơi đóng đô (mục 5) việc dùng người (mục 24); về nhân tài (mục 32), về nông nghiệp (mục 43); về giao thiệp giữa các nước (mục 1-b), về dụng binh (mục 2-b); về sử chép không đúng sự thực (mục 29-b) v.v... Chủ yếu là bàn về các vấn đề kinh tế, chính trị, triết học v.v... Vì tác giả cùng bàn luận với các học giả Trung Quốc, nên toàn lấy sự việc trong lịch sử Trung Quốc. Tuy nhiên, khi bàn về việc hành quân, Lê Quý Đôn không quên chứng dẫn việc nhà Tống học tập binh chế triều Lý ở Việt Nam (mục 54-b). Đại thể, Lê Quý Đôn lấy lí, thế làm chính, các vấn đề đều xoay quanh lí và thế: lí là lí luận, tư tưởng con người, thế là thực tiễn, hoàn cảnh tự nhiên, hoàn cảnh xã hội. Có một điều đặc biệt trong bản chép này, về phần phê phán nhiều mục có lời phê của Ngô Dương Đình.
Đại Việt thông sử (hay Lê triều thông sử) cũng do ông soạn (30 quyển) Đại Việt thông sử là một bộ sử đầu tiên của Việt Nam chép riêng một triều đại (nên gọi là Lê triều thông sử) theo lối chi truyện.
Trong Lịch triều hiến chương loại chí, khi bình luận ông, Phan Huy Chú viết: “Lê Quý Đôn tư chất khác đời, thông minh hơn người... Bình sinh làm sách rất nhiều, khi bàn về kinh sử thì sâu sắc, rộng rãi, mà nói đến điển cố thì đầy đủ rõ ràng. Cái sở trường của ông vượt hơn cả, nổi tiếng ở trên đời”.
Tam xuyên (三川) tứ mục (四目)
Nhà Lê Quý Đôn ở gần ngã ba sông Hồng và sông Trà Lý. Một hôm, có vị quan bên Liêu Xá đến thăm cha ông. Vị quan có nghe tiếng con quan Thượng Lê rất hay chữ, muốn trực tiếp thử tài. Nể tình, cha ông cho gọi Lê Quý Đôn tới.
Sau khi khoanh tay, kính cẩn chào khách xong, Lê Quý Đôn đứng nép bên cha, chờ đợi.
Ông khách nói:
Ta nghe cháu còn bé mà đã hay chữ. Vậy ta ra vế đối, cháu đối lại nhé!
Lê Quý Đôn lễ phép:
Dạ, xin Bác ra đề ạ!
Nhà cháu gần ngã ba sông, vậy ta ra vế đối là tam xuyên (三川)! - Ông khách nói.
Vế đối giản dị mà hắc búa, chữ tam (三) có ba nét sổ ngang nhưng dựng lên, thành ba nét sổ đứng và là chữ xuyên (川). "Tam xuyên" có nghĩa là "ba con sông".
Lê Quý Đôn chưa đáp ngay mà cứ trân trân nhìn ông khách có mang cặp kính. Ông khách rất vui vì tìm được vế đối rất hiểm. Thần đồng ư? Khó thế này sức mấy mà đối nổi!
Sao? Có đối được không, cháu bé? - Thấy Lê Quý Đôn chưa đối được, ông khách hỏi.
Lê Quý Đôn lễ phép thưa:
Dạ, cháu xin đối là tứ mục (四目). "Tứ mục" có nghĩa là "bốn con mắt".
Ông khách chỉ còn biết thốt lên:
Tuyệt vời!
Chữ đối lại thật chuẩn, chữ "tứ" (四) viết quay dọc lại cũng là chữ "mục" (目).
Quay sang cha ông, khách xuýt xoa:
Thằng bé này về sau văn chương sẽ lẫy lừng đấy!
Chữ Đại (大) hay chữ Thái (太)?
Tương truyền thuở nhỏ, Lê Quý Đôn cởi truồng đi tắm với các bạn. Có quan Thượng thư đồng liêu với cha tới thăm, hỏi đường đến nhà. Cậu liền đứng dạng chân và dang tay ra bảo quan Thượng:
Nếu ông biết được cháu đang ra dấu chữ gì, cháu sẽ chỉ nhà cho ông.
Quan Thượng cũng tha thứ cho sự nghịch ngợm của tuổi trẻ nên bỏ đi. Cậu cười ầm lên và bảo với các bạn:
Ông ấy làm quan to mà không biết chữ các bạn ơi!
Quan Thượng bực mình quay lại nói:
Trẻ con đừng hỗn láo. Mày mới học lỏm được chữ Đại (大) mà đã dám đi trêu chọc người rồi.
Cậu càng cười to hơn:
Thế thì ông không biết chữ thật! Có cái chấm ở dưới nữa thì là chữ Thái (太) chứ sao lại chữ Đại!
Rắn đầu rắn cổ
Khi quan Thượng vào nhà ông mới biết Lê Quý Đôn là con của bạn mình. Ông kể lại câu chuyện dọc đường. Cha ông gọi ông ra trách mắng và đánh đòn. Quan Thượng thấy ông thông minh nên đã xin tha cho ông với điều kiện phải ứng khẩu một bài thơ tạ tội. Cậu xin quan Thượng ra đầu đề. Quan Thượng nói:
Phụ thận cậu đã bảo "rắn đầu rắn cổ", cậu cứ lấy đó mà làm đề bài.
Lê Quý Đôn ngẫm nghĩ một chốc rồi đọc:
Chẳng phải liu điu vẫn giống nhà!
Rắn đầu biếng học quyết không tha
Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ,
Nay thét mai gầm rát cổ cha.
Ráo mép chỉ quen tuồng lếu láo,
Lằn lưng chẳng khỏi vết roi da.
Từ nay Trẫu Lỗ xin siêng học,
Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia!
Đề bài là do quan Thượng đặt ra, ý nói cậu bé cứng đầu, lười học. Vậy mà Lê Quý Đôn đã tài tình sử dụng từ "rắn" để ghép vào trong nội dung các câu thơ của mình: rắn liu điu, rắn đầu, rắn hổ lửa, rắn mai gần, rắn ráo, rắn thằn lằn, rắn hổ trâu, rắn hổ mang và ví mình như Khổng Tử - Mạnh Tử (từ nay Trâu - ấp Trâu, quê nhà của Khổng Tử; Lỗ - nước Lỗ, Mạnh Tử người nước Lỗ). Quan thượng hết sức thán phục.