Tỉnh Lâm Đồng
Chủ tịch HĐND
Huỳnh Đức Hoà
Chủ tịch UBND
Nguyễn Xuân Tiến
Dân số
1.169.851 người (2005)
Dân tộc
Kinh, K'ho, Mạ, M’nông, Chu Ru
Thông tin sơ lược
Diện tích: 9.764,8 km2
Dân số: 1.169.851 người (2005)
Dân tộc: Trên 20 tộc người, đông nhất là người K'ho, Mạ, M’nông, Chu Ru....
Các đơn vị hành chính của tỉnh Lâm Đồng gồm có: thành phố Đà Lạt, thành phố Bảo Lộc và 10 huyện là: huyện Đạ Huoai, huyện Đạ Tẻh, huyện Đam Rông, huyện Cát Tiên, huyện Bảo Lâm, huyện Di Linh, huyện Đức Trọng, huyện Đơn Dương, huyện Lâm Hà, huyện Lạc Dương.
Điều kiện tự nhiên
Vị trí
Lâm Đồng là 1 trong 5 tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên nước ta. Phía Bắc ngăn cách với tỉnh Đắk Lắk bởi sông Đa Dâng và sông Krông Knô. Nam giáp tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Thuận. Tây giáp tỉnh Đắk Nông. Đông giáp tỉnh Khánh Hoà và tỉnh Ninh Thuận.
Địa hình
Lâm Đồng nằm trọn trong nội địa, không có đường biên giới quốc gia và bờ biển. Tỉnh có độ cao trung bình từ 800-1000m so với mực nước biển. Địa hình đa số là núi và cao nguyên. Cao nguyên Lang Biang (Lâm Viên) có đỉnh 2.167 m ở phía Bắc TP Đà Lạt, cao nguyên Di Linh ở phía Tây huyện lỵ huyện Di Linh.
Khí hậu
Lâm Đồng nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa biến thiên theo độ cao, trong năm có hai mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình từ 18-25oC, thời tiết ôn hoà và mát mẻ quanh năm. Lượng mưa trung bình 1.750-3.150 mm/năm, độ ẩm tương đối trung bình cả năm 85-87%.
Sông ngòi
Sông suối trên địa bàn Lâm Đồng phân bố khá đồng đều, mật độ trung bình 0,6km/km2. Phần lớn sông suối chảy từ hướng Đông Bắc xuống Tây Nam. Do đặc điểm địa hình đồi núi và chia cắt mà hầu hết các sông suối ở đây đều có lưu vực khá nhỏ và có nhiều ghềnh thác ở thượng nguồn.
Ba sông chính ở Lâm Đồng là sông Đa Dâng, sông Đa Nhim và sông La Ngà. Lưu lượng nước mùa mưa lớn hơn mùa khô 130 - 150 lần. Mực nước sông cũng biến đổi theo mùa, mực nước mùa mưa cao hơn mùa khô từ 2,5 đến 5m. Tổng lượng dòng chảy hàng năm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng khoảng 21 tỷ m3 nước.
Tài nguyên thiên nhiên
Đất
Lâm Đồng có 9 nhóm đất khác nhau. Chất lượng đất đai của Lâm Đồng rất tốt, khá mầu mỡ, toàn tỉnh có khoảng 255.407 ha đất có khả năng sản xuất nông nghiệp, trong đó có 200.000 ha đất bazan tập trung ở cao nguyên Bảo Lộc, Di Linh thích hợp cho việc trồng cây công nghiệp dài ngày như: cà phê, chè, cao su....cùng với các loại rau và hoa ôn đới.
Rừng
Toàn tỉnh có 617.000 ha rừng với độ che phủ 63% diện tích tự nhiên. Rừng Lâm Đồng chủ yếu là đặc dụng và phòng hộ. Rừng rất đa dạng về loài, có trên 400 cây gỗ, trong đó có một số loài gỗ quý như: pơmu xanh, cẩm lai, giỏ, sao, thông 2 lá, 3 lá, ngoài ra còn có nhiều loại lâm sản có giá trị khác. Rừng phân bố ở thượng nguồn các sông, suối lớn của khu vực nên có vai trò quan trọng trong phòng hộ, du lịch nghiên cứu, tham quan…
Khoáng sản
Lâm Đồng có 25 loại khoáng sản, trong đó bôxit, bentonite, cao lanh, diatomite và than bùn có khả năng khai thác ở qui mô công nghiệp. Quặng bôxít ở Lâm Đồng có trữ lượng khoảng 1.234 triệu tấn, chất lượng quặng khá tốt, điều kiện khai thác và vận chuyển khá dễ dàng. Cao lanh có trữ lượng khoảng 520 triệu tấn, chất lượng tốt. Loại cao lanh này có khả năng sử dụng làm sứ điện tử, sứ bền nhiệt cơ, sứ dân dụng cao cấp, gạch samot chịu lửa, chất độn cho công nghiệp chế biến giấy, sản xuất sunfat alumin…Bbentonite có trữ lượng trên 4 triệu tấn, chất lượng tốt. Than nâu và diamite được phát hiện tại nhiều điểm, nhưng mỏ Đại Lào (thành phố Bảo Lộc) là có khả năng khai thác công nghiệp với trữ lượng 8,5 triệu m3, có thể sử dụng làm chất đốt, chất cách nhiệt, phụ gia trong sản xuất phân bón hoặc phụ gia sản xuất xi măng.
Lịch sử hình thành và phát triển
Trước năm 1899, phần lớn đất đai của tỉnh Lâm Đồng hiện nay thuộc tỉnh Bình Thuận và đạo Ninh Thuận. Ngày 1-11-1899, Pháp cho lập tỉnh Đồng Nai Thượng và hai trạm hành chính ở Tánh Linh và trên cao nguyên Lang Biang. Tỉnh Đồng Nai Thượng nằm ở khu vực thượng lưu sông Đồng Nai, tiếp giáp với Nam Kỳ và Campuchia, tỉnh lỵ đặt tại Djiring.
Năm 1905, bãi bỏ tỉnh Đồng Nai Thượng, cho sáp nhập vào tỉnh Bình Thuận. Ngày 6/1/1916, Pháp cho thành lập tỉnh Lang Biang bao gồm toàn bộ vùng rừng núi các tỉnh: Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Phước hiện nay. Địa giới tỉnh Lang Biang gồm: phía Bắc là sông Krông Knô, phía Đông Nam là sông Krông Pha (nay thuộc tỉnh Ninh Thuận), phía Nam là sông Ca Giai - một nhánh sông Phan Rí (nay thuộc tỉnh Bình Thuận), phía Tây là biên giới Campuchia.
Năm 1916, bỏ tỉnh Lang Biang, thành lập trung tâm đô thị Đà Lạt tại vùng Lang Biang. Năm 1920, nâng lên thành TX Đà Lạt. Phần đất còn lại của tỉnh Lang Biang mang tên tỉnh Đồng Nai Thượng. Ngày 8/1/1941, tái lập tỉnh Lang Biang.
Năm 1950, chính quyền Cách Mạng thành lập tỉnh Lâm Đồng trên cơ sở sáp nhập hai tỉnh Lang Biang và Đồng Nai Thượng cũ. Riêng Pháp vẫn giữ nguyên hai tỉnh này.
Năm 1958, chính phủ Việt Nam Cộng Hoà đổi tên tỉnh Đồng Nai Thượng thời Pháp thành tỉnh Lâm Đồng. Tỉnh lị đặt tại B’lao, sau đổi thành Bảo Lộc. Tỉnh Lâm Đồng lúc này bao gồm hai quận Bảo Lộc và Di Linh. Bắc là sông Đa Dâng; Đông là sông Đạ Trong, Đạ K’Nàng, sông Đa Nhim; Tây là suối Đạ Lây và sông Đồng Nai. Ngày 19/5/1958, tách tỉnh Lâm Đồng thành lập tỉnh Tuyên Đức bao gồm các quận: Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương.
Sau 30/4/1975, thành lập thành phố Đà Lạt trực thuộc Trung ương. Các tỉnh Lâm Đồng, Tuyên Đức, Ninh Thuận, Bình Thuận hợp thành tỉnh Thuận Lâm. Tỉnh lỵ đặt tại Phan Rang. Năm 1976, giải thể tỉnh Thuận Lâm, hợp nhất các tỉnh Lâm Đồng, Tuyên Đức và thành phố Đà Lạt thành tỉnh Lâm Đồng mới. Tỉnh lỵ đặt tại thành phố Đà Lạt.
Văn hoá
Lâm Ðồng là vùng đất có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời với sự góp mặt của một cộng đồng nhiều dân tộc. Trong quá trình phát triển, họ đã xây dựng một nền văn hóa đa dạng, phong phú, mang đậm bản sắc riêng. Lâm Ðồng còn lưu giữ nhiều dấu tích văn hoá, lịch sử của các dân tộc. Ðó là những công cụ lao động, dụng cụ gia đình, đồ trang sức cá nhân, những đền tháp, những khu mộ táng của nhiều thời đại.
Những năm gần đây, trên cơ sở phát hiện ngẫu nhiên của nhân dân, công cuộc tìm kiếm, khai quật khảo cổ bước đầu được triển khai. Những hiện vật phát hiện thu lượm được đã cho thấy sự phong phú, đa dạng của di tích khảo cổ vùng này, cùng với mối quan hệ văn hoá với các vùng xung quanh.
Cùng với những di chỉ khảo cổ học, nét đặc sắc của văn hoá Lâm Đồng còn được thể hiện qua những phongg tục, tập quán của các dân tộc. Trong số đó có thể kể đến tục phụ nữ đi hỏi cưới chồng, tục tang ma của người K’ho, tục bắt chồng của người Chu Ru.....cùng với nhiều lễ hội độc đáo như: lễ đâm trâu, lễ rửa chân trâu....
Kinh tế
Là một tỉnh Tây Nguyên. có nhiều rừng và thắng cảnh đẹp, thế mạnh kinh tế của Lâm Đồng là nông lâm nghiệp và du lịch. Trong đó nông nghiệp chủ yếu là trồng cây công nghiệp như cà phê, chè, cao su. Năm 2000, tỉnh có gần 130 ngàn ha cà phê, 20 ngàn ha chè. Chè Bảo Lộc là thương hiệu khá nổi tiếng. Ngoài ra, rau ôn đới và hoa Đà Lạt cũng là thế mạnh nông nghiệp của tỉnh. Về lâm nghiệp, những năm gần đây, tỉnh đầu tư quản lý, bảo vệ và phát triển diện tích rừng. Nhờ đó, diện tích rừng không ngừng được tăng lên, các tập quán du canh du cư cũng không còn nữa.
Ngành công nghiệp chuyển sang phát triển các cơ sở chế biến nông sản, chè, tơ tằm, cà phê, chế biến rau quả, vật liệu xây dựng, khoáng sản. Chất lượng sản phẩm từng bước đã có thể cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Về lâu dài, du lịch là khâu đột phá và là ngành kinh tế mũi nhọn của Lâm Đồng trong cơ cấu kinh tế. Lâm Đồng có lợi thế để phát triển du lịch, hiện tại hai khu du lịch hồ Tuyền Lâm và hồ Suối Vàng, hồ Dankia của tỉnh đã được quy hoạch đang chờ đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, Lâm Đồng đã có chủ trương cho phép các nhà đầu tư thuê đất dưới tán rừng để đầu tư du lịch theo hướng du lịch sinh thái, du lịch dưới tán rừng.
Giao thông
Là tỉnh Tây Nguyên, địa hình bao gồm nhiều đèo, núi, song Lâm Đồng vẫn phát triển hệ thống giao thông đường bộ có chất lượng tương đối tốt và phân bố đều khắp các vùng trong tỉnh, một mặt đảm bảo giao thông thuận lợi trong nội tỉnh, mặt khác đặt Lâm Ðồng vào vị trí cầu nối giữa các tỉnh Tây Nguyên với thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Trung Bộ.
Quốc lộ 20 cắt quốc lộ 1A tại ngã ba Dầu Giây, đi qua địa bàn các huyện Đạ Huoai, thành phố Bảo Lộc, huyện Di Linh, huyện Đức Trọng và thành phố Đà Lạt. Quốc lộ 28 đi qua địa bàn huyện Di Linh, nối liền với tỉnh Bình Thuận và tỉnh Đắk Nông. Quốc lộ 55, xuất phát từ huyện Bảo Lâm, tại điểm giao nhau với quốc lộ 20 đi tỉnh Bình Thuận. Quốc lộ 27 đi qua địa bàn các huyện: Đam Rông, Lâm Hà, Đức Trọng, Đơn Dương, nối liền với tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Ninh Thuận.
Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng tuy có các con sông lớn chày qua như sông Đa Dâng, sông Đồng Nai, sông La Ngà, sông Đa Nhim, nhưng vì tốc độ chảy khá cao, ngắn và dốc nên không thuận lợi cho giao thông đường thuỷ.
Về đường hàng không, tỉnh có sân bay Liên Nghĩa ở huyện Đức Trọng và sân bay Đà Lạt.
Du lịch
Lâm Đồng được thiên nhiên ưu đãi cho một vùng khí hậu và cảnh quan độc đáo, hiếm thấy ở một quốc gia nằm trong vành đai nhiệt đới như nước ta. Rừng của Lâm Đồng là khu vực lưu giữ nguồn gen động, thực vật quý hiếm, có chức năng bảo vệ nguồn sinh thuỷ khu vực đầu nguồn của 7 hệ thống sông, suối lớn. Tính đa dạng sinh học của hệ sinh thái này đóng vai trò quan trọng trong cảnh quan du lịch, đặc biệt là rừng thông Đà Lạt. Cùng với sông, suối, hồ, đập, thác nước…rừng Lâm Đồng đã tạo nên một quần thể có sức hút khách du lịch trong và ngoài nước như rừng cảnh quan bao quanh Đà Lạt, khu du lịch hồ Tuyền Lâm, khu du lịch hồ Suối Vàng - hồ Dankia, khu du lịch Thung Lũng Tình Yêu, khu du lịch thác Datanla, thác Preen, thác Pongour, thác Đam B’ri, núi Lang Biang.
Trung tâm du lịch phía Bắc bao gồm thành phố Đà Lạt và các vùng phụ cận. Thành phố Đà Lạt nằm trên cao nguyên Lang Biang có độ cao 1.500 m, khí hậu mát mẻ quanh năm, cách các đô thị lớn của vùng và khu vực không xa, giao thông thuận lợi. Đà Lạt có nhiều cảnh thiên nhiên kỳ thú nổi tiếng về hồ, về thác nước và rừng thông, bên cạnh đó là các công trình kiến trúc mang giá trị văn hoá - nghệ thuật cao, có sức hấp dẫn đối với du khách. Đà Lạt được coi là trung tâm du lịch lớn của Việt Nam và khu vực.
Trung tâm du lịch phía Nam gồm thành phố Bảo Lộc và vùng phụ cận: thành phố xã Bảo Lộc nằm trên cao nguyên Bảo Lộc và cao nguyên Di Linh có độ cao 1.000 m, khí hậu ôn hoà, có cảnh quan thiên nhiên đẹp. Đây là địa bàn cư trú của các dân tộc ít người, mỗi dân tộc có bản sắc văn hoá riêng, độc đáo rất thích hợp cho phát triển du lịch văn hoá. Tại đây còn có các khu di chỉ có giá trị phù hợp cho tham quan, nghiên cứu như khu di chỉ Phù Mỹ - di chỉ Cát Tiên…
Các loại hình du lịch của Lâm Đồng khá phong phú, đa dạng; du lịch tham quan, du lịch giải trí, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch dưới tán rừng, du lịch vườn, du lịch văn hoá - thể thao… Thành phố Đà Lạt hiện có một sân gôn 18 lỗ đạt tiêu chuẩn quốc tế. Hệ thống nhà nghỉ, khách sạn có sức chứa trên 20.000 khách/ngày, trong đó có 20 khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế từ 1 đến 5 sao.
Đặc sản
-
hồng Đà Lạt
-
mận Đà Lạt
-
trà Bảo Lộc