<
Trang chủ » Tri Thức Việt
Từ khóa Toàn văn
Di tích Khu lưu niệm Cao Văn Lầu

Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu ở phường 5, thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, đã được công nhận là di tích văn hoá cấp tỉnh. Từ trung tâm thị xã Bạc Liêu qua cầu Kim Sơn (hay còn gọi là cầu Quay) đến ngã tư rẽ vào đường Cao Văn Lầu, đi thêm 1 km lại rẽ phải vào con đường nhỏ chừng 300 m là đến khu mộ.

Năm 2008, tỉnh Bạc Liêu đầu tư khoảng 6 tỷ VNĐ để xây dựng khu tưởng niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Khu tưởng niệm rộng 2.800 m2, gồm nhà trưng bày hiện vật của nhạc sĩ, cụm mộ vợ chồng nhạc sĩ cùng thân sinh, khu sân khấu...Dự kiến công trình hoàn thành vào tháng 09-2009 và đưa vào sử dụng trong dịp tổ chức lễ hội Dạ cổ hoài lang. Theo chương trình lễ hội được tỉnh Bạc Liêu công bố, vào lúc 6h30 ngày 29-09-2009, khu lưu niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu sẽ được khánh thành. Nhân dịp này, Sở Văn hoá - Thể thao - Du lịch Bạc Liêu cùng gia đình cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã đề nghị Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch xét công nhận bản Dạ cổ hoài lang là di sản văn hoá phi vật thể.

Tỉnh Bạc Liêu đang vận động quyên góp hiện vật cho nhà trưng bày: một số loại nhạc cụ, trang phục đờn ca tài tử và cải lương, hình ảnh về các nghệ sĩ Mười Khối, Bảy Cội, Hai Lúa, Chín Quy, Sáu Thìn, Xanh Xía, Ba Khúc, thầy giáo So, danh ca Cô Ba Vàm Lẻo...Một số bản sáng tác bản Dạ cổ hoài lang nhịp 2 (năm 1919), nhịp 4 (năm 1926), bản vọng cổ Văng vẳng tiếng chuông chùa nhịp 8; bản vọng cổ nhịp 16 (năm 1940); nhịp 32 với sáu câu (năm 1941); nhịp 64 (năm 1950); các bài Bắc, Nam, Oán mà ban nhạc lễ của Cao Văn Lầu thường trình diễn cũng sẽ được sưu tầm để trưng bày tại đây.

Đến sáng ngày 29-09-2009, khu lưu niệm đã quyên góp được 39 hiện vật, 40 tư liệu, 150 hình ảnh quý: bộ đờn của ban nhạc tài tử Cao Văn Lầu, chiếc lục lạc mà ông Cao Văn Lầu đeo khi một tuổi, những cuốn sổ tay chép nhạc của nhạc sĩ Cao Văn Lầu, đờn cò của giáo sư Trần Văn Khê, đờn ghita phím lõm mà nhạc sĩ Cao Văn Lầu mượn ông Hai Ngưu khi đến Sài Gòn năm 1963.


©2023 Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt