<
Trang chủ » Tri Thức Việt
Từ khóa Toàn văn
Đảo Hòn Tre
huyện Kiên Hải - tỉnh Kiên Giang

Tổng quan
 

Hòn Tre là một hòn đảo độc lập nằm trong vịnh Thái Lan, cách thành phố Rạch Giá khoảng 30 km về phía Tây, thuộc thị trấn Hòn Tre - trung tâm hành chính của huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang. Từ cảng Rạch Giá, muốn ra thăm đảo Hòn Tre, mất khoảng hơn 1 giờ với tàu thường và khoảng 45 phút với tàu cao tốc. Du khách có thể đi về trong ngày. Đến đảo Hòn Tre, du khách có thể tham quan nhiều cảnh đẹp như Bãi Chén, Động Dừa, Đuôi Hà Bá.

Đảo Hòn Tre - Ảnh: Hoàng Chí Hùng

Hòn Tre có diện tích khoảng 400 ha, chiều dài 11,5 km, nơi rộng nhất chừng 2 km. Đỉnh cao nhất 395 m. Thị trấn Hòn Tre có ba ấp với vài ngàn dân. Cư dân trên đảo sinh sống bằng nghề làm vườn, đánh bắt và chế biến hải sản. Tùy theo thế đất mà người ta cất nhà. Nhà áp sát biển, nhà cheo leo sườn núi lẫn bên tảng đá khổng lồ. Đường đi ngoằn ngoèo quanh chân núi, quanh co sườn dốc cheo leo, khó đi nhưng ngoạn mục.

Con đường chạy quanh đảo dài 12 km, rộng khoảng 4 mét bằng bê tông được khởi công vào đầu năm 2007, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2008 với kinh phí 80 tỷ đồng từ Chương trình biển Đông - biển đảo của Bộ Quốc phòng. Men theo con đường này, du khách dễ bị choáng ngợp vì cảnh đẹp của Hòn Tre. Một bên là vách núi cheo leo, đầy bóng cây xanh, một bên là vực biển sâu hun hút. Qua những tàng cây cao, từ chân hòn đá tảng chất chồng, biển xanh ngắt một màu…

Nhà ở khu trung tâm đảo không có số, phòng trọ không bảng hiệu. Du khách muốn thuê phòng phải hỏi thăm dân bản địa hoặc có thể thuê nhà khách Huyện ủy Kiên Hải nằm sát biển. Dù ở nhà khách hay phòng trọ, khách đều phải tự lo ăn uống. Hàng quán ở đây chỉ bán toàn những thức ăn chế biến từ thịt vì người bản địa đã quá ngán đồ hải sản. Muốn thưởng thức đặc sản biển bạn phải đặt một quán ăn nào đó hoặc đến nhà hàng duy nhất trên đảo có tên Gió Biển 2 cách trung tâm khoảng 1,5 km.

Đến Kiên Giang, nếu không có dịp ra thăm đảo, cũng đừng bỏ qua cơ hội quan sát cảnh hoàng hôn trên đảo Hòn Tre. Đứng trên bờ biển Rạch Giá nhìn về hướng Tây, mặt trời lặn dần, những tia nắng cuối cùng tạo nên một vầng đỏ chói như ánh hào quang tỏa quanh hòn đảo, rồi lan ra trên mặt biển nhấp nhô tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp. Nếu được đầu tư, Hòn Tre của Kiên Giang chắc chắn sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn không thua gì Hòn Tre của Khánh Hoà.

Nguồn gốc tên gọi
 

Hòn Tre có tên Traksu, được Le Distour - người Pháp - khám phá từ khi nó mới chỉ có vài gia đình người Việt định cư. Hình dáng hòn đảo này được Le Distour cho đắp bằng ô dước tại ấp 1, thị trấn Hòn Tre, nay vẫn còn. Còn sách Gia Định thành thông chí thì ghi đó là Đảo Tre với chú thích: ở biển phía Đông Nam trấn, chu vi 20 dặm, làm án ngoại cho hải cảng Kiên Giang…Từ thành phố Rạch Giá nhìn ra, Hòn Tre trông giống như một con rùa nổi lên trên mặt biển, vì thế còn được gọi là Hòn Rùa hay đảo Rùa. Có ý kiến cho rằng đúng tên phải là Hòn Che, bởi đảo có vị trí án ngữ dông bão, che chắn cho thành phố Rạch Giá.

Các điểm du lịch lý tưởng
 

Bãi Chén - Ảnh: Hoàng Chí Hùng

Đảo Hòn Tre, ngoại trừ khu trung tâm chiếm khoảng 3 km sát mép biển phía Đông, 8 km còn lại trên đảo còn rất hoang sơ. Lấy mốc trung tâm thị trấn Hòn Tre - cũng là trung tâm của huyện Kiên Hải - nếu theo chiều kim đồng hồ, bạn lần lượt đi qua những công trình tôn giáo như dinh Ông Nam Hải, chùa Thiên Thai, chùa Sơn Linh. Ngoài những công trình tôn giáo, đi theo chiều này, bạn sẽ lần lượt thưởng ngoạn 3 địa danh nổi tiếng nằm sát mép biển là: Đuôi Hà Bá, Bãi Chén và Động Dừa.

- Bãi Chén nằm ở phía Tây Bắc của đảo, có chiều dài 2 km. Sở dĩ được gọi là Bãi Chén vì trên bãi có nhiều tảng đá to; khi nước lớn, phần lớn những tảng đá này bị chìm trong nước biển; lúc nước ròng, chúng lại nhô lên trông như những cái chén úp lên mặt nước. Xung quanh các hòn đá này, bám dày đặc những con hàu nhỏ cỡ đầu ngón tay cái, gọi là hàu sữa. Chỉ cần đặt nhúm lá dừa vào đó, mồi lửa, thời gian chưa tàn điếu thuốc, những con hàu há vỏ, dùng dao tách lấy thịt là đã có món ăn ngọt ngào của loài nhuyễn thể. Du khách có thể ngồi trên những cái chén này ngắm cảnh hay câu cá rồi thưởng thức ngay tại chỗ. Hiện trên bãi chưa có dịch vụ du lịch nên du khách có thể mang theo bếp gas, bếp nướng... để chế biến hải sản (ghẹ, mực, tôm, hàu... ) ngay tại chỗ. Thiên nhiên trên bãi còn mang đậm nét hoang sơ, dưới biển, trên bờ cây rừng tỏa bóng mát. Từ trung tâm của xã Hòn Tre, du khách có thể mất khoảng 20 phút đi tàu để đến Bãi Chén. Nhưng nếu bạn là người thích khám phá, thì hãy đi bằng đường núi. Theo đường này, du khách sẽ gặp Hòn Đá Chuông. Hòn đá này có hình tam giác không cân, nằm lẫn với nhiều hòn đá khác. Cầm viên đá gõ vào sẽ nghe tiếng kêu thanh như tiếng chuông. Còn gõ vào các hòn đá kế cận thì chẳng nghe thấy gì. Đường quanh co, khúc khuỷu, lên xuống dốc, băng qua những mảnh vườn xanh um, mát rượi. Mùa nào thức nấy: xoài cát, xoài hòn, mãng cầu, hồng quân, nhãn, thanh long… Điều lạ lùng là trái cây trên đảo có hương vị ngọt ngon hơn ở những nơi khác. Đi đường này mất cả tiếng đồng hồ.

- Động Dừa là một vịnh nhỏ, có làng chài nên ghe thường ghé về để lấy lương thực, nước ngọt và nghỉ ngơi sau những chuyến đi biển xa. Động Dừa cũng có bãi tắm đẹp với nhiều ghềnh đá nhấp nhô trên sóng biển. Đến đây, du khách có thể tắm biển hoặc nằm nghỉ ngơi trên bãi, dưới bóng mát của những tán dừa xanh mượt.

- Đuôi Hà Bá còn gọi là bãi Dứa, vì ở đây có rất nhiều cây dứa. Đây là vùng biển nước sâu, đón gió Nam. Từ đây có thể nhìn thấy Lại Sơn và quần đảo Nam Du. Nơi cuối gành, phải cẩn trọng đặt chân lên từng hòn đá cheo leo, trắc trở trước khi đến những hòn đá bàn. Đến đây, du khách có thể lặn xuống biển để tham quan thế giới trong lòng đại dương.

- Dinh Ông Nam Hải là nơi thờ cá Voi. Cá voi (dài 9,8 m, đường kính quanh thân lớn nhất 3,8 m, vây đuôi mỗi bên dài 1,4 m, vây hông 1,2 m, chiều dài miệng hàm trên và dưới từ 1,8-2 m, nặng trên 5 tấn) bị dạt vào bờ vào tháng 05-2006. Người dân địa phương tìm cách đưa cá voi trở lại biển nhưng không thành. “Ông lụy” tại đảo nên người dân lập dinh thờ và tổ chức cúng bái theo nghi thức truyền thống. Cá voi đã được Viện Hải dương học Nha Trang hỗ trợ kỹ thuật để lắp ráp, bảo quản bộ xương tại dinh.

Dinh Ông Nam Hải - Ảnh: Hoàng Chí Hùng

- Thiên Thai cổ còn gọi là chùa Cô Lan. Chùa do cha cô Lan lập ra, sau này do cô trụ trì nên người ta mới gọi như vậy. Sơn Linh tự là một hang núi nhỏ, sát chân núi, bên đường, khom người vào hang một chút sẽ nghe hơi nước mát lạnh từ ngọn suối gần đó phả ra.

Nếu có thêm thời gian, du khách có thể nhờ một cư dân bản địa hướng dẫn chinh phục đỉnh cao nhất của đảo. Tuyến đường này băng qua những vườn xoài lâu năm, trèo qua những phiến đá lớn hay chui qua những hốc đá... Nói chung, phải đủ các tư thế mới có thể chinh phục đỉnh. Điều thú vị là trên đường đi, du khách có thể chiêm ngưỡng hàng ngàn các loài lan rừng khoe mình trên những cành cây, hốc đá. Theo người dân ở đây, 20 năm trước ra đường là gặp lan rừng. Nhưng do khai thác quá mức của những người từ đất liền, lan trên đảo đã “rút” đồi, “lặn” vào rừng sâu. Người ta phải cất công tìm kiếm để chiêm ngưỡng nó.

Đặc sản Hòn Tre
 

Hòn Tre có những món ăn thật hấp dẫn, lạ miệng, chẳng hạn như cồi của một loại hàu có tên là biên mai. Con hàu được người dân đảo chế biến thành nhiều kiểu: ăn sống, nấu cháo, lăn bột chiên dòn, dùng chung với các loại rau thiên nhiên mọc trên đảo. Dưới lớp cát biển, còn có loại cà xỉu cũng được người dân đảo chế biến thành nhiều món ăn ngon.

Một món đặc sản chỉ ở Hòn Tre mới có đó là “ve sữa”, và cũng chỉ có trên dưới một tuần vào khoảng tuần đầu tháng 3 âm lịch hàng năm. Ve sữa là ấu trùng của ve sầu, nằm dưới lòng đất hay trong các hốc cây bắt đầu nở thành “nhộng”. Chúng chỉ chui lên mặt đất khi bóng tối đã trùm khắp núi rừng. Ve sữa chỉ lớn hơn đầu đũa, bằng con nhộng tằm. Sau khi lên mặt đất khoảng vài phút, chân và cánh của chúng bắt đầu dần cứng, thế là chúng có thể bò lên cây, hoặc bay đi. Vì thế, bắt ve sữa quả là một công việc khó khăn, cần phải có sự phối hợp của nhiều người. Một người cầm đèn pin soi, một người vạch cỏ, lá cây để tìm. Khi bắt được ve sữa, người ta phải bóp đầu cho chết ngay hoặc ngâm vào chai nước để chúng không thể bay đi.

Ve sữa đem về rửa sạch rồi chế biến thành nhiều món ăn ngon như: ve sữa chiên giòn; ve sữa lăn bột áp chảo; ve sữa xào hành tây, bông hẹ, thiên lý; ve sữa hấp gừng cách thủy; ve sữa nấu cháo... hoặc ve sữa ngâm rượu. Vì đây là thứ hiếm nên mỗi người một đêm đi bắt cũng chỉ được từ 200 - 300 g. Khách muốn mua phải hẹn trước mới có. Thịt ve sữa hội đủ các mùi vị: thơm, bùi, béo, ngọt....rất ngon. Lượng protein trong ve sữa rất cao, tốt cho người già yếu và trẻ em còi cọc, suy dinh dưỡng. Nhưng nếu người hay bị dị ứng thì không nên ăn quá chục con.


Vĩnh Nguyên - TP Nha Trang - Khánh Hoà

Đảo lớn nhất trong vịnh Nha Trang, thuộc phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà. Đảo nằm án ngữ trước cửa ngõ thành phố, rộng khoảng 3000ha. Trên đảo, có núi cao 482m, còn g̣ọi là núi Đàm Mông. Đảo có bãi tắm thiên nhiên đẹp vào bậc nhất Việt Nam, thảm thực vật trong khu vực còn nguyên sơ, khí hậu ôn hoà, ít gió bão, rất thuận lợi cho việc phát triển du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng biển. Trên đảo có khu du lịch Hòn Ngọc Việt rất nổi tiếng.


©2023 Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt