Tỉnh Hà Nam
Chủ tịch HĐND
Trần Xuân Lộc
Chủ tịch UBND
Mai Tiến Dũng
Diện tích
859,7 km2 (2007)
Dân số
825.400 người (2007)
Mật độ
960 người/km2 (2006)
Dân tộc
Kinh, Tày, Mường, Hoa
Hà Nam là một tỉnh nằm ở vùng đồng bằng sông Hồng, cách thủ đô Hà Nội hơn 50 km về phía Nam. Đây là tỉnh có vị trí giao thương thuận lợi, nằm ở phía Nam đồng bằng sông Hồng, trên tuyến đường giao thông xuyên Bắc - Nam.
Điều kiện tự nhiên
Vị trí địa lí
Hà Nam là một tỉnh thuộc đồng bằng Sông Hồng, là cửa ngõ giao thương với Hà Nội và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Phía Bắc giáp thành phố Hà Nội. Phía Đông giáp Hưng Yên và Thái Bình. Phía Đông Nam giáp Nam Định. Phía Nam giáp Ninh Bình. Phía Tây giáp Hoà Bình.
Với vị trí như trên, Hà Nam nằm trên tuyến đường giao thông (kể cả đường sắt và đường ô tô) xuyên Bắc - Nam.
Địa hình
Hà Nam nằm trong vùng trũng của đồng bằng Sông Hồng, tiếp giáp với dải đá trầm tích ở phía Tây. Địa hình đa dạng, vừa có đồng bằng, có vùng bán sơn địa, vừa có vùng trũng. Ngay trong một khu vực, cũng có sự chênh lệch về độ cao. Địa hình Hà Nam có hai vùng khá rõ:
Vùng đồi núi phía Tây có nhiều tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là đá vôi – điều kiện để phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng, đặc biệt là sản xuất xi măng và có tiềm năng lớn để phát triển du lịch.
Vùng đồng bằng đất đai màu mỡ với các bãi bồi ven sông Hồng, sông Châu là điều kiện để phát triển nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm.
Hà Nam có điều kiện để phát triển nền kinh tế đa dạng, với hướng kết hợp kinh tế của vùng đồng bằng với kinh tế của vùng đồi núi.
Khí hậu
Hà Nam cũng như các tỉnh đồng bằng sông Hồng có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình khoảng 230C, nhiệt độ trung bình tháng thấp nhất là tháng 1 khoảng 15,10C và cao nhất là tháng 6 khoảng 290C.
Tổng giờ nắng trung bình khoảng 1.100 – 1.200 giờ. Lượng mưa trung bình năm 1.700 – 2.200 mm nhưng lượng mưa không đều.
Độ ẩm trung bình hàng năm là 85%, tháng có độ ẩm trung bình cao nhất trong năm là tháng 3 (95,5%), tháng có độ ẩm trung bình thấp nhất trong năm là tháng 11 (82,5%)
Tài nguyên thiên nhiên
- Đất
Hà Nam có hai nhóm đất cơ bản là đất vùng đồng bằng và đất vùng đồi núi.
Vùng đồng bằng có đất phù sa được bồi đắp, đất phù sa không được bồi và đất phù sa glây. Đất phù sa được bồi phân bố ở ngoài đê sông Hồng, sông Đáy, sông Nhuệ, sông Châu. Đất phù sa glây tập trung ở địa hình thấp, ngập nước trong thời gian dài, mực nước ngầm nông. Đất đai vùng này thích hợp với các loại cây lương thực, cây rau màu, cây công nghiệp, một số cây ăn quả và cây làm thuốc… sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất cao, khối lượng sản phẩm lớn không thua kém các vùng có trình độ thâm canh khá.
Vùng đồi núi chủ yếu có các loại đất: đất nâu vàng trên phù sa cổ, đất đỏ vàng trên đá phiến sét, đất nâu đỏ và mùn đỏ vàng trên đá macma bazơ và trung tính, đất đỏ nâu trên đá vôi. Đất nâu vàng trên phù sa cổ và đỏ vàng trên đá phiến sét phân bố ở vùng đồi, địa hình tương đối bằng phẳng, độ dốc dưới 150. Đất nâu đỏ và mùn đỏ vàng trên đá macma bazơ và trung tính, đất đỏ nâu trên đá vôi phân bố ở vùng đá vôi. Đất vùng này thích hợp cho việc phát triển của nhiều loại cây trồng thuộc vùng núi và trung du như: chè, lạc, mía, vừng, sơn, trẩu, sở, gai, bạch đằng, phi lao, tre, bương, mây, sắn, khoai ...
Trên cơ sở hai nhóm đất tương ứng với hai loại địa hình đồng bằng và đồi núi, có thể phát triển được nhiều loại cây trồng thuộc các nhóm cây lương thực, cây thực phẩm, cây công nghiệp, cây ăn quả, đồng cỏ chăn nuôi, cây rừng đa tác dụng với các hệ thống canh tác có tưới hoặc không tưới. Vùng gò đồi còn nhiều tiềm năng để chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp và phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp vật liệu xây dựng. Đây là một lợi thế của Hà Nam so với một số tỉnh khác của đồng bằng sông Hồng.
- Khoáng sản
Tài nguyên khoáng sản chủ yếu ở Hà Nam là đá vôi, làm nguyên liệu cho sản xuất xi măng, vôi, các loại đá có vân màu phục vụ xây dựng, trang trí nội thất và làm đồ mỹ nghệ, các mỏ sét làm gạch ngói, gốm sứ, xi măng và một số mỏ than bùn, mỏ đôlômit. Phần lớn các tài nguyên khoáng sản này phân bố ở các huyện phía Tây của tỉnh, gần đường giao thông, thuận lợi cho việc khai thác, chế biến và vận chuyển.
Tài nguyên khoáng sản trên địa bàn Hà Nam chủ yếu là đá carbonate có trữ lượng trên 7,4 tỷ m³. Hà Nam còn có nguồn than bùn để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sản xuất vi sinh. Trữ lượng tại mỏ Tây Nam Tam Chúc khoảng 172 nghìn m3 và ở mỏ Đông Bắc Tam Chúc tới khoảng 11 triệu m3.
Hà Nam tuy không phải là tỉnh giàu về tài nguyên khoáng sản, nhưng lại có nguồn đá vôi khá lớn, có sét cao lanh làm phụ gia cho công nghiệp sản xuất xi măng, một số loại đá vân hồng, đá đen, đá trắng có thể khai thác để trang trí nội thất, cát xây dựng… thuận lợi cho việc khai thác để sản xuất xi măng và vật liệu xây dựng.
Du lịch
Hà Nam có nhiều điểm sinh thái khá hấp dẫn như khu du lịch Ngũ Động Sơn, đền Trúc, đền Trần Thương, hồ Tam Chúc, chùa Long Đọi Sơn, chùa Hương, chùa Bà Đanh, hang Luồn…
Ngoài ra, các lễ hội truyền thống cùng các di tích, danh thắng là điều kiện để phát triển các loại hình du lịch như: hội vật Liễu Đôi, lễ hội đền Trúc, hội chùa Đọi Sơn, hội đền Trần Thương, hội làng Duy Hải, hội làng Võ Giàng…
Hành chính và các đơn vị trực thuộc
Hà Nam có tỉnh lị là thành phố Phủ Lý và 5 huyện là Lý Nhân, Kim Bảng, Duy Tiên, Thanh Liêm, Bình Lục
Lịch sử
Vào thời Hùng Vương, Hà Nam thuộc vùng đất của bộ Giao Chỉ gồm các huyện Duy Tiên, Kim Bảng, Thanh Liêm, Bình Lục và một phần đất huyện Lý Nhân. Cư dân Hà Nam thời kỳ này đã trải qua một quá trình chinh phục, thích ứng và từng bước làm chủ vùng đất trũng lầy. Họ đã cùng với những người Việt cổ khác xây dựng nền văn minh bản địa đầu tiên của dân tộc - văn minh Văn Lang - Âu Lạc. Cư dân Hà Nam cùng cư dân cả nước từ những vùng hoang vu rậm rạp tiến về xuôi theo triền những con sông để tiến hành khai hoang lập ấp, tạo dựng nơi cư trú.
Đất Hà Nam xưa thuộc Bộ Giao Chỉ, một trong 15 bộ của nước Văn Lang. Sau thuộc quận Giao Chỉ dưới đời Hán, thuộc Trung Châu đời Đường. Đến đời nhà Hậu Lý Nhân, đổi thành phủ Lý Nhân dưới triều vua Lê Thánh Tông. Thời nhà Nguyễn, phủ Lý Nhân gồm các huyện Duy Tiên, Kim Bảng, Bình Lục và Thanh Liêm, trực thuộc tỉnh Hà Nội. Tỉnh Hà Nam được đặt tên từ đời vua Thành Thái.
Tỉnh Hà Nam được thành lập vào năm 1890. Năm 1913, tỉnh Hà Nam nhập vào tỉnh Nam Định. Năm 1923, Hà Nam trở thành một tỉnh riêng biệt. Đến tháng 4 năm 1965, Hà Nam sáp nhập với Nam Định thành tỉnh Nam Hà; tháng 12 năm 1975, sáp nhập Nam Hà với Ninh Bình thành tỉnh Hà Nam Ninh. Đến tháng 11 năm 1996, tỉnh Hà Nam được tái lập.
Giáo dục
Hà Nam là một trong những tỉnh có mạng lưới cơ sở y tế, giáo dục, văn hóa và phúc lợi xã hội phát triển. Toàn tỉnh có 758 cơ sở nhà trẻ, 115 trường mẫu giáo, 271 trường phổ thông các cấp, với 4468 lớp học và gần 179,6 nghìn học sinh các cấp học. Trong đó, 86% số trường tiểu học, 85% trường trung học cơ sở và 100% số trường trung học phổ thông đã được xây dựng kiên cố và bán kiên cố.
Hà Nam là một trong 10 tỉnh cả nước đạt phổ cập giáo dục trung học cơ sở vào thời điểm tháng 1 năm 2002. Hàng năm, bình quân có 30-35 học sinh đạt giải quốc gia, riêng năm 2003 đạt 41 giải.
Hà Nam có trường Cao đẳng Sư phạm, trường Cao đẳng Phát thanh Truyền hình và một số trường trung học chuyên nghiệp và dạy nghề: Y tế, Công nhân Bưu điện, Chế biến gỗ, Dạy nghề Nông công nghiệp vận tải, Kỹ thuật thực hành nông nghiệp, trường vừa học vừa làm.
Từ xa xưa, Hà Nam là vùng đất hiếu học. Đây còn là quê hương của Nguyễn Khuyến, nhà văn nổi tiếng Nam Cao và các vị anh hùng như Đinh Công Tráng...
Kinh tế
Công nghiệp chủ đạo của tỉnh là xi măng, vật liệu xây dựng. Công nghiệp dệt may và tiểu thủ công nghiệp với làng nghề dệt lụa, dệt lụa tơ tằm.
Các ngành dịch vụ như thương mại, tài chính, ngân hàng, du lịch… giữ vai trò ngày càng quan trọng đối với sự tăng trưởng và phát triển kinh tế và xã hội của tỉnh.
Hà Nam là tỉnh mới được tái lập, nhưng trong thời gian qua kinh tế của tỉnh có mức tăng trưởng khá. Cơ cấu kinh tế có sự dịch chuyển theo hướng tăng tỷ trọng của công nghiệp, giảm tỷ trọng của nông nghiệp trong GDP.
Hoạt động nông nghiệp có nhiều điều kiện thuận lợi, với trên năm vạn ha đất nông nghiệp. Tiềm năng tăng năng suất một số loại cây trồng chủ yếu của Hà Nam như cây lương thực, cây thực phẩm, cây công nghiệp còn nhiều.
Sản phẩm nông nghiệp cùng kết hợp với những nghề truyền thống khác sẽ tạo ra sự đa dạng và phong phú để phát triển nông thôn Hà Nam trong thời kỳ mới.
Vị trí địa lý, sự đa dạng về đất đai, địa hình và thổ nhưỡng, điều kiện khí hậu thuỷ văn thuận lợi, nguồn nhân lực dồi dào, có trình độ văn hóa, có khả năng tiếp nhận và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật-công nghệ, hạ tầng kinh tế - xã hội đã phát triển của Hà Nam là những yếu tố tích cực để phát triển một nền công nghiệp hiện đại, nông nghiệp tiên tiến và đa dạng, cả về chăn nuôi và trồng trọt, lâm nghiệp và thủy sản.
Văn hóa
Hà Nam là tỉnh có nền văn minh lúa nước lâu đời và nền văn hóa dân gian phong phú. Nền văn hóa được thể hiện qua các làn điệu chèo, hát chầu văn, hầu bóng, ả đào, đặc biệt là hát dậm, vừa hát vừa giậm chân theo lối người chèo thuyền.
Đây cũng là vùng đất có nhiều hội làng truyền thống, đặc biệt, làng vật võ Liễu Đôi đã nổi tiếng trong cả nước. Các lễ hội truyền thống cùng các di tích danh thắng là điều kiện để phát triển các loại hình du lịch.
Giao thông
Mạng lưới giao thông của Hà Nam phát triển sớm và khá hoàn chỉnh. Nằm trên trục giao thông quan trọng xuyên Bắc - Nam, trên địa bàn tỉnh có quốc lộ 1A và đường sắt Bắc - Nam chạy qua với chiều dài gần 50km và các tuyến đường giao thông quan trọng khác như quốc lộ 21, quốc lộ 21B, quốc lộ 38.
Hà Nam có tổng chiều dài đường bộ gần 5.000 km, trong đó quốc lộ có gần 100 km, tỉnh lộ gồm 12 tuyến với tổng chiều dài là 120 km. Đường sắt xuyên Việt đoạn đi qua Hà Nam, hiện dài hơn 30km. Có bốn ga đều là ga loại 4 hoặc 5 (ga xép). Ngoài ra, có gần 10km đường sắt chuyên dùng nối từ ga Phủ Lý đến khu mỏ đá Kiện Khê.
Hệ thống đường sông của Hà Nam rất phong phú với độ dài hơn 200 km, trong đó, có gần 100 km của hai con sông Hồng và sông Đáy.
Các đường sông khác tuy nhiều nhưng phân bố hầu hết các huyện. Hà Nam chưa có cảng sông chính thức do ngành giao thông quản lý. Hiện nay, mới chỉ có các cảng, bến bãi chuyên dùng như cảng Đọ Xá, cảng Kiện Khê, cảng của nhà máy xi măng Bút Sơn…