<
Trang chủ » Tri Thức Việt
Từ khóa Toàn văn
Huyện Chợ Mới
tỉnh An Giang

Tổng quan
 

Thị trấn Chợ Mới - Ảnh: Hoàng Chí Hùng

Huyện cù lao của tỉnh An Giang; Bắc giáp sông Vàm Nao, ngăn cách với huyện Phú Tân; Đông giáp sông Tiền, ngăn cách với tỉnh Đồng Tháp; Tây giáp sông Hậu, là ranh giới với huyện Châu Phú, huyện Châu Thànhthành phố Long Xuyên; Nam giáp rạch Cái Tàu Thượng, ngăn cách với huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Về hành chính, huyện bao gồm thị trấn Chợ Mới, thị trấn Mỹ Luông và 16 xã là: Kiến An, Kiến Thành, Mỹ Hội Đông, Long Điền A, Long Điền B, Nhơn Mỹ, Long Giang, Long Kiến, Mỹ An, An Thạnh Trung, Hội An, Hoà Bình, Hoà An, Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân.

Huyện Chợ Mới bốn bề giáp sông rạch, cách Châu Đốc 68 km, đối diện với cù lao Tây (cù lao này thuộc huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp). Phù sa bồi đắp quanh năm, đất đai màu mỡ, cây cối xanh tốt, là vựa lương thực quan trọng của tỉnh An Giang. Tuy nhiên, do là huyện cù lao, bốn bề sông nước nên hiện tượng sạt lở đất diễn ra trong vài năm gần đây khiến huyện gặp rất nhiều khó khăn. Ngày 03-05-2006, đã xảy ra sạt lở bờ sông tại khu vực chợ Thuận Giang, ấp Hoà Thượng, xã Kiến An, làm hai người chết, nhiều nhà trong khu vực bị nứt. Ủy ban Nhân dân huyện Chợ Mới đã cảnh báo khu vực này sạt lở (sâu 25 m và dài 30 m); đồng thời tiến hành di dời khẩn cấp các hộ dân sống trong khu vực nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở cao.

Huyện có các cù lao xanh tốt trên sông, là đều kiện để phát triển du lịch sinh thái, đặc biệt là cù lao Giêng nằm trên địa bàn 3 xã Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân. Di tích Cột Dây Thép đã được xếp hạng cấp quốc gia. Bên cạnh đó, huyện còn có hệ thống chùa chiền, đền miếu....thu hút hàng chục ngàn lượt du khách mỗi năm.

Điều kiện tự nhiên
 

Địa hình

Là huyện cù lao, nằm giữa sông Tiềnsông Hậu, địa hình Chợ Mới chủ yếu là đồng bằng phù sa bằng phẳng, độ nghiêng nhỏ, độ cao trung bình 3 m so với mực nước biển. Đất đai chứa nhiều hữu cơ, độ pH thấp, ít bị bào mòn, xâm thực mà chủ yếu luôn được bồi đắp hằng năm với mức độ khác nhau trong những điều kiện trầm tích khác nhau. Huyện có 3 dạng địa hình chính là:

- Dạng cồn bãi (cù lao)

- Dạng lòng chảo (ở 2 bờ sông cao hơn và thấp dần vào trong đồng)
- Dạng hơi nghiêng (cao từ bờ sông rồi thấp dần vào trong đồng)

Khí hậu

Khí hậu nhiệt đới gió mùa, hằng năm có 2 mùa gió là: gió mùa Tây Nam và gió mùa Đông Bắc. Gió Tây Nam mang nhiều hơi nước, gây mưa. Gió mùa Đông Bắc hanh khô, có phần nắng nóng, kéo dài từ tháng 12 đến tháng 4, gây ra hiện tượng khô hạn. Nhiệt độ cao nhất thường 36 - 380C, nhiệt độ thấp nhất hằng năm thường xuất hiện vào tháng 10 dưới 180C. Huyện ít chịu ảnh hưởng của gió bão nhưng lại chịu tác động mạnh của quá trình thủy văn như lũ lụt, sạt lở đất bờ sông…

Tài nguyên thiên nhiên

- Khoáng sản: Huyện có bột sét và cát mịn do trầm tích trên sông tụ lại phân bố chủ yếu dọc theo các bờ sông.

- Thủy sản: Nguồn thủy sản ở Chợ Mới bao gồm 2 nhóm: Nhóm cá sông (cá trắng): sống trên sông Tiền, sông Hậu và các kênh rạch, phổ biến như cá linh, cá he, cá chài, cá mè vinh....Nhóm cá đồng (cá đen): gồm các loại cá họ cá lóc, cá trê, cá rô…sống nhiều trong các lung, đìa, ao, đồng ruộng…

- Nguồn nước: Lấy từ sông Tiềnsông Hậu, huyện có trên 20 km chiều dài lãnh thổ nằm dọc theo hai con sông này nên nguồn nước rất dồi dào, nhất là trong mùa lũ có khả năng tải nước 8000 m3/s với tốc độ 1m/s. Mực nước thấp nhất có lưu lượng dao động 1000 m3/s đến 2000 m3/s xuất hiện vào tháng 4 và đầu tháng 5. Ngoài nhánh sông lớn Chợ Mới còn có hệ thống sông ngòi chằng chịt dọc theo các kênh rạch cung cấp đủ lượng nước tưới tiêu cho cả huyện.

Lịch sử
 

Theo bản đồ hành chính tỉnh An Giang năm 1832, địa bàn huyện Chợ Mới ngày nay thuộc huyện Đông Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang. Quận Chợ Mới được thành lập tại đây năm 1907, quận lỵ đặt bên bến đò Kiến An, sau dời về Long Điền - thị trấn Chợ Mới ngày nay. Năm 1917, quận Chợ Mới thuộc tỉnh Long Xuyên, gồm 3 tổng với 20 thôn: tổng Định Hoà có 8 thôn, tổng An Bình có 6 thôn, tổng Phong Thạnh Thượng có 6 thôn.

Ngày 24-04-1957, quận Chợ Mới thuộc tỉnh An Giang, gồm 2 tổng với 12 xã như sau:

- Tổng An Bình có 5 xã: Bình Phước Xuân, Mỹ Hiệp, Tấn Mỹ, Mỹ Luông, Hội An.

- Tổng Định Hoà có 7 xã: An Thạnh Trung, Long Kiến, Long Điền, Kiến An, Mỹ Hội Đông, Nhơn Mỹ, Hoà Bình.

Địa giới này được duy trì cho đến năm 1975, kể cả khi An Giang tách thành hai tỉnh An Giang và Châu Đốc năm 1964.

Về phía chính quyền Cách mạng, sau tháng 08-1945, Chợ Mới là huyện của tỉnh Long Xuyên. Ngày 06-03-1948, huyện Chợ Mới thuộc tỉnh Long Châu Tiền. Ngày 27-06-1951, Chợ Mới thuộc tỉnh Long Châu Sa. Từ giữa năm 1957 đến 1965, huyện Chợ Mới thuộc tỉnh An Giang, như sự phân chia của chính quyền Sài Gòn. Tháng 12-1965, Chợ Mới được giao về cho tỉnh Kiến Phong. Từ tháng 05-1974 đến tháng 02-1976, Chợ Mới thuộc tỉnh Sa Đéc.

Đến tháng 02-1976, Chợ Mới là huyện của tỉnh An Giang với 12 xã và 1 thị trấn. Ngày 25-04-1979, thành lập thêm 3 xã: Kiến Thành, Long Điền B và Hoà An. Ngày 12-01-1984, thành lập thêm xã Long Giang. Lúc này, huyện Chợ Mới có 16 xã và 1 thị trấn. Ngày 17-10-2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 119/2003/NĐ-CP, thành lập thị trấn Mỹ Luông trên cơ sở 1.808 ha diện tích tự nhiên và 5.540 nhân khẩu của xã Mỹ Luông. Sau khi thành lập thị trấn Mỹ Luông, xã Mỹ Luông còn lại 1.241 ha diện tích tự nhiên và 13.466 nhân khẩu, đặt thành xã Mỹ An. Huyện Chợ Mới có 16 xã và 2 thị trấn như ngày nay.

Xã hội
 

Chợ Mới là huyện đông dân nhất tỉnh, mật độ dân cư xếp thứ 3, sau thành phố Long Xuyênthị xã Châu Đốc. Khoảng 95% đồng bào theo đạo Cao Đài, Hoà Hảo và Phật giáo. Năm 2004, tỷ lệ hộ nghèo của huyện là 1,3%. Năm 2005, thực hiện đánh giá hộ nghèo theo tiêu chí mới, tỷ lệ hộ nghèo của huyện là 12% - 15%.

Năm 2008, huyện đã đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho 27.500 người. Về lĩnh vực dạy nghề, huyện tổ chức được 294 lớp cho 6.000 học viên tham gia học các ngành nghề chủ yếu như: thắt bím lụt bình, thắt hoa vải, may dân dụng, kỹ thuật trồng nấm rơm... Sau đào tạo, phần lớn học viên đều được giới thiệu việc làm ở các công ty, doanh nghiệp ở các khu công nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dươngtỉnh Đồng Nai. Ngoài ra, các xã, thị trấn cũng đã giới thiệu việc làm cho hơn 21.000 lao động trong và ngoài tỉnh.

Từ nay đến năm 2010, Chợ Mới tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: gắn kết tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá, tiến bộ - công bằng xã hội và bảo vệ môi trường; phấn đấu giữ mức tăng trưởng GDP hàng năm từ 15% trở lên; giảm tỉ lệ tăng dân số tự nhiên còn dưới 1%; khống chế tỉ lệ có HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư dưới 0,3% và không tăng sau 2010; giảm hộ nghèo còn dưới 3%; giảm tỉ lệ học sinh lưu ban bỏ học dưới 4%.

Kinh tế
 

Lò Gạch bên sông Vàm Nao - Ảnh: Hoàng Chí Hùng

Những năm gần đây, huyện Chợ Mới liên tục đạt nhịp độ tăng trưởng và phát triển kinh tế ở mức cao và ổn định, đó là nhờ huyện khai thác tốt tiềm năng, phát huy hết lợi thế của nền tảng nông nghiệp. Năm 2008, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của huyện là 15,3%; cơ cấu kinh tế khu vực Nông nghiệp chiếm 27,1%; Công nghiệp - Xây dựng chiếm 23,4%, Thương mại - Dịch vụ chiếm 49,5%; thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2008 ước đạt hơn 15,5 triệu đồng.

Trong năm 2009, huyện Chợ Mới đã đề ra nhiều giải pháp quan trọng để phấn đấu thực hiện đạt và vượt mức tăng trưởng kinh tế. Kinh tế của huyện Chợ Mới vẫn dựa vào nông nghiệp, lấy nông nghiệp làm nền tảng để phát triển. Năm 2009, huyện Chợ Mới phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 15%, nâng mức bình quân thu nhập đầu người lên 20,5 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế được đặt ra cho năm 2009 là: Nông nghiệp 25%, Công nghiệp - Xây dựng 24,5%, Thương mại - Dịch vụ 50,5%.

Nông nghiệp

Chợ Mới là huyện đất hẹp người đông, diện tích tự nhiên 35.571 ha, dân số 75.575 hộ với 359.576 người. Nếu tính trên diện tích đất tự nhiên, bình quân 1 hộ dân chưa có đến 0,5 ha đất; diện tích đất sản xuất 22.133 ha, chỉ khoảng 0,3 ha/hộ. Những năm qua, sản xuất nông nghiệp của huyện tăng ở mức cao nhờ đẩy mạnh chuyển dịch trong nội ngành theo hướng quy hoạch vùng chuyên canh, đa canh, xen canh. Năng suất lúa bình quân đạt 17 tấn/ha/năm, một số hộ nông dân đạt năng suất 21 tấn/3vụ/năm. Năm 2008, huyện thực hiện áp dụng thí điểm mô hình “3 giảm, 3 tăng” rồi “phun thuốc 4 đúng” nên năng suất tăng cao, tiết kiệm được chi phí sản xuất.

Chợ Mới hiện đã có đê bao chống lũ nên sản xuất được vụ 3. Huyện có khoảng 300 km đê bao chống lũ, cũng là tuyến đường huyết mạch, tạo nên một thành trì dọc theo sông Tiền và sông Hậu. Từ đó, diện tích đất nông nghiệp trồng lúa, màu đã tăng lên 74.689 ha/năm nhờ tăng vòng quay sản xuất liên tục trong năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2007 của Chợ Mới đạt gần 2.000 tỷ đồng. Trong đó, có gần 1/3 giá trị (hơn 600 tỷ đồng) có được nhờ đê bao chống lũ, dân sản xuất được vụ 3. Nếu tính hơn 10 năm làm đê bao chống lũ, Chợ Mới đã tạo ra hàng trăm ngàn việc làm, tăng thêm giá trị sản xuất nông nghiệp khoảng 5.000 tỷ đồng. Huyện có 19 Hợp tác xã nông nghiệp, các Hợp tác xã nông nghiệp này làm dịch vụ bơm tưới ở Chợ Mới đã kiểm soát hơn 5.200 ha đất, chiếm gần 1/3 diện tích sản xuất lúa, góp phần rất lớn trong việc thực hiện xuống giống, áp dụng khoa học kỹ thuật ở Chợ Mới, nhờ đó mà lúa vụ 3 của huyện tránh được rầy nâu hiệu quả.

Một số địa phương trên địa bàn huyện đã có xu hướng chuyển sang trồng hoa màu. Trồng lúa một năm có thể đạt doanh thu 60 triệu đồng/ha, trong khi trồng hoa màu đến 90 triệu đồng/ha. Trồng màu 4 - 5 vụ/năm, như thế mới có việc làm và thu nhập quanh năm. Huyện cũng đã áp dụng mô hình trồng rau an toàn tại 5/16 xã. Đây cũng là một hướng đi mới của nông dân Chợ Mới nhằm khuếch trương thương hiệu “rau dưa củ” đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu hàng hoá tập thể. Hiện tại, mỗi ngày Chợ Mới cung cấp khoảng 10 tấn rau cho đồng bằng Sông Cửu Long và xuất sang cả Campuchia.

Hướng phát triển sắp tới của nông nghiệp huyện là giảm diện tích lúa, tăng diện tích trồng hoa màu và cây ăn trái. Phấn đấu đến năm 2010, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 2.653 tỷ đồng. Đồng thời, thực hiện tốt giao thông thủy lợi nội đồng, trang bằng mặt ruộng, tạo điều kiện tốt đưa khoa học, công nghệ và cơ giới vào đồng ruộng…Chợ Mới là một trong những huyện đầu tiên của An Giang áp dụng trang bằng mặt ruộng bằng tia lazer; đưa nhiều trạm bơm tưới sử dụng điện thay thế cho dầu.

Công nghiệp - Xây dựng

Công nghiệp - Xây dựng là ngành chiếm tỷ trọng thấp nhất trong cơ cấu kinh tế của huyện. Huyện có các làng nghề thủ công truyền thống như: đóng bàn tủ, vẽ tranh trên kính, đan tre (rổ, bồ, thúng, rá), dệt, nhuộm, chạm khắc, đóng ghe xuồng, gạch ngói....Trong năm 2008, hoạt động công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp có chuyển hướng phát triển, đã hoàn thành nhiều công trình lớn, với tổng vốn đầu tư hơn 242 tỷ đồng.

Năm 2009, huyện sẽ kêu gọi các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp thực hiện đầu tư xây dựng cụm công nghiệp Mỹ An, nhà máy chế biến thủy sản và thức ăn gia súc ở Long Điền A, đầu tư xã hội hoá xây dựng chợ Mỹ An, nâng cấp công viên khu di tích lịch sử Cột Dây Thép. Đồng thời, thực hiện cải tạo, xử lý sinh học bãi chứa rác thị trấn Chợ Mới. Ngoài ra, còn tranh thủ sự hỗ trợ kinh phí của tỉnh xây dựng tuyến đường kênh Long Điền A - B từ thị trấn Chợ Mới đến xã An Thạnh Trung.

Thương mại - Dịch vụ

Thương mại - Dịch vụ là ngành chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu kinh tế của huyện. Hoạt động buôn bán ngày một sầm uất. Chợ nông sản Kiến An là đầu mối giao thương hàng nông sản lớn trong khu vực, mỗi ngày có trên 14 tấn hàng được bán đi các nơi. Sau khi các thương lái thu mua ở nhà vườn sẽ mang đến tập trung tại chợ, rồi vận chuyển bằng đường thủy phân phối khắp các nơi trong và ngoài tỉnh, thậm chí đến tận Campuchia.

Cơ sở hạ tầng
 

Năm 2008, huyện Chợ Mới đã đầu tư gần 94,4 tỷ đồng để thi công các công trình xây dựng cơ bản, trong đó vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ trên 63,9 tỷ đồng, ngân sách huyện trên 18,1 tỷ đồng, ngân sách xã và nhân dân đóng góp hơn 5 tỷ đồng…Trong năm 2009, huyện sẽ tiếp tục thi công Trung tâm Dạy nghề, Trung tâm Y tế dự phòng, Phòng khám khu vực thị trấn Mỹ Luông…Đặc biệt là dự án xây cầu bắc qua nhánh sông Tiền, nối liền thị trấn Mỹ Luông và xã Tấn Mỹ. Hiện các công đoạn thăm dò, kiểm tra địa chất tại khu vực xây dựng cầu đã tiến hành hoàn tất. Theo thiết kế, đây sẽ là loại cầu dây văng, dài 380 m, rộng 8 m, độ thông thuyền 7 m và tải trọng 13 tấn, kinh phí xây dựng 8 tỷ đồng. Công ty Sunway (Hàn Quốc) thiết kế, đầu tư xây dựng. Dự kiến, công trình sẽ được khởi công vào quý I-2009.

Huyện cũng đang phấn đấu xây dựng thị trấn Mỹ Luông thành đô thị loại IV. Thời gian tới, huyện sẽ triển khai nhiều công trình trọng điểm trên địa bàn thị trấn. Hiện, dự án đầu tư xây dựng khu vui chơi phức hợp tại ấp Thị 1, thị trấn Mỹ Luông đã được phê duyệt, với tổng diện tích trên 2,2 ha. Dự án thiết kế 5 tầng (kể cả tầng hầm) gồm các hạng mục công trình: Khu vui chơi, giải trí, hồ bơi và trung tâm thương mại cao cấp, với tổng kinh phí đầu tư trên 35 tỷ đồng.



Chợ Mới - Bắc Kạn

Sơ lược
 

Chợ Mới là huyện cửa ngõ của tỉnh Bắc Kạn, huyện có 8 xã nằm dọc theo sông Cầu với chiều dài khoảng 40km.

Lịch sử hình thành
 

Ngày 6/7/1998, chính phủ ban hành Nghị định 46/1998/NĐ-CP về việc thành lập huyện Chợ Mới thuộc tỉnh Bắc Kạn.

Huyện Chợ Mới được thành lập trên cơ sở 57.527 ha diện tích tự nhiên và 34.394 nhân khẩu của huyện Bạch Thông.

Điều kiện tự nhiên
 

Vị trí địa lý

Phía Đông Chợ Mới giáp huyện Na Rì; phía Tây giáp huyện Định Hóa, huyện Phú Lương (tỉnh Thái Nguyên) và huyện Chợ Đồn; phía Nam giáp các huyện Phú Lương, Đồng HỷVõ Nhai (tỉnh Thái Nguyên); phía Bắc giáp thị xã Bắc Kạnhuyện Bạch Thông.

Địa hình

Hệ thống các dãy núi thuộc cánh cung sông Gâm chạy dọc phía Tây của địa bàn huyện. Nham thạch chủ yếu ở đây là đá phiến - thạch anh, cát kết, đá vôi... nằm trên nền đá kết linh cổ. Địa hình cao ở phía Bắc- Tây Bắc với những đỉnh núi cao trên 1.000m và khi xuống phía Nam giảm dần thành những đồi núi thấp dạng bát úp, ít hiểm trở với độ cao vài trăm mét. Núi đồi ở đây có đỉnh bằng, s­ườn thoải, cao nhất là đỉnh núi thuộc dãy Nam Khiếu Thượng với độ cao khoảng 1.640m, nơi thấp nhất khoảng 40m thuộc khu vực xã Quảng Chu.

Trên địa bàn có sông Chợ Chu hợp l­ưu tại thị trấn Chợ Mới, nhánh Na Rì bắt nguồn từ xã Yên Cư­ phía Tây Nam huyện chảy theo hướng Đông Bắc, đến xã Lư­ơng Thành hợp l­ưu sông Bắc Giang tại Pác Cáp.

Khí hậu

Nhiệt độ trung bình năm dao động trong khoảng từ 21oC -23oC, tháng 1 và tháng 12 hàng năm thường có sương muối kéo dài 7 đến 10 ngày. L­ượng mư­a trung bình hàng năm dao động trong khoảng 1.400mm - 1.800mm.

Tài nguyên

Chợ Mới có nhiều cát, sỏi tập trung ở các xã Quảng Chu, Nông Hạ, Nông Thịnh, Yên Đĩnh;mỏ vàng Khau Âu; quặng thiếc ở Yên C­ư. Ngoài ra, Chợ Mới còn có khoảng 41 triệu m3 đá vôi, 4 triệu m3 đất sét đủ tiêu chuẩn làm nguyên liệu xi măng và nước khoáng ở Hoà Mục với lưu lượng nước ước đạt 2,23 lít/giây.

Điều kiện kinh tế, xã hội
 

 

Tiềm năng kinh tế

Đất đai ở Chợ Mới thích hợp trồng các loại cây thương phẩm như dó bầu, keo lai, luồng, trúc, mây, măng, hồi, gừng…riêng chè shan tuyết được trồng tập trung ở 3 xã Yên Cư, Yên Hân, và Bình Văn.

Đồi chè ở Chợ Mới. Ảnh: baobackan.

Chợ Mới là một trong những địa phương địa phương có diện tích mặt nước ao, hồ lớn, vì thế có tiềm năng nuôi trồng thuỷ sản.

Hiện tại, cả tỉnh Bắc Kạn mới được Chính phủ phê duyệt và đầu tư duy nhất một khu công nghiệp là khu công nghiệp Thanh Bình tại Chợ Mới với diện tích khoảng 500 ha gồm các nhà máy sản xuất bột giấy, gỗ ván MDF, sản xuất vật liệu xây dựng ...

Văn hoá, xã hội

Diện tích: 606,1 km2

Dân số: 35.800 người (2004)

Mật độ dân số: 59 người/km2

Huyện lỵ đóng ở thị  trấn Chợ Mới.

Đơn vị hành chính có một thị trấn và 15 xã là: Tân Sơn, Thanh Vân, Hoà Mục, Thanh Mai, Mai Lạp, Cao Kỳ, Nông Hạ, Nông Thịnh, Yên Hân, Yên C­ư, Thanh Bình, Nh­ư Cố, Bình Văn, Yên Đĩnh và Quảng Chu.

Người Sán (còn có tên làChaytrồng lúa và chăn nuôi gia súc. Ngoài ra, người Sán Chỉ còn có nghề thủ công như đan phên, sọt, nong, nia, làm nón đan tre lợp lá cọ, đan túi lưới (slung). Phụ nữ Sán Chỉ biết dệt vải, thêu khăn, yếm, còn đàn ông biết làm đồ gỗ như: bàn ghế, cày, bừa, quạt, hòm, cối xay, cối giã…

Dân tộc Sán Chỉ có nhiều truyện cổ, thơ ca, hò, vè, tục ngữ, ngạn ngữ, người Sán Chỉ có các điệu múa truyền thống như: múa trống, múa xúc tép, múa chim gâu, múa đâm cá, múa thắp đèn... Nhạc cụ của người Sán Chỉ rất phong phú, gồm các loại thanh la, não bạt, trống, chuông, kèn...

Vào ngày hội đình, hội xuân, tết nguyên đán... người Sán Chỉ có những trò diễn sôi động như: đánh quay, trồng cây chuối, vặn rau cải, tung còn...

Tiềm năng du lịch

 Vào dịp đầu năm mới (ngày 6, 7 tháng giêng âm lịch hàng năm), tại chùa Thạch Long (trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, quân đội Việt Nam đã sử dụng nơi này làm xưởng sản xuất binh khí), xã Cao Kỳ, huyện Chợ Mới có lễ hội chùa Thạch Long.

Du khách đến Chợ Mới có thể thăm Đền Thắm, toạ lạc tại thị trấn Chợ Mới, điểm đặc biệt của đền Thắm là đền được xây một nửa trong thân núi, một nửa lộ thiên.

Muốn đến Chợ Mới, ngoài tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Cao Bằng kéo dài đến huyện Chợ Mới, du khách có thể chọn đi theo tuyến đường sắt Thái Nguyên - Chợ Mới.

Hạn chế

 Khu vực Chợ Mới có nhiều khe suối, nên khi mùa mưa đến, nơi đây thường xảy ra lũ quét và sạt lở đất.

 


©2023 Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt