<
Trang chủ » Tri Thức Việt
Từ khóa Toàn văn
Huyện Châu Phú

Tổng quan
 

Thị trấn Cái Dầu - Ảnh: Hoàng Chí Hùng

Huyện nằm ở khu vực trung tâm của tỉnh An Giang, Bắc giáp thị xã Châu Đốc, đường ranh giới dài 14,570 km; Đông giáp sông Hậu ngăn cách với huyện Phú Tân; Nam giáp huyện Châu Thành, đường ranh giới dài 29,176 km; Tây giáp huyện Tịnh Biên, chiều dài ranh giới là 20,151 km. Về hành chính, huyện bao gồm thị trấn Cái Dầu và 12 xã là: Khánh Hoà, Mỹ Đức, Mỹ Phú, Ô Long Vĩ, Vĩnh Thạnh Trung, Bình Long, Thạnh Mỹ Tây, Bình Mỹ, Bình Thuỷ, Bình Phú, Đào Hữu Cảnh, Bình Chánh.

Huyện nằm trên tuyến đường du lịch quan trọng của tỉnh An Giang. Hàng năm trên tuyến quốc lộ 91 có khoảng bốn triệu lượt khách du lịch và khách hành hương đi qua địa phận Châu Phú để đến núi Sammiếu Bà Chúa Xứ, núi Cấm, Hà Tiên và Vương quốc Campuchia thông qua hai cửa khẩu kinh tế của An Giang là cửa khẩu Xuân Tô – Tịnh Biên và cửa khẩu Khánh Bình – An Phú.

Huyện có đền Quản cơ Trần Văn Thành - người có công trong trận chiến ở căn cứ Láng Linh - Bảy Thưa. Dân chúng đa số theo đạo Hoà Hảo, mỗi nhà thường có ảnh thờ đức Huỳnh giáo chủ. Hằng năm, trên địa bàn huyện diễn ra nhiều mang sắc thái dân tộc độc đáo như: lễ rước thần đình Bình Thủy, lễ vía Thầy Tây An....

Điều kiện tự nhiên
 

Huyện nằm bên bờ Tây sông Hậu, dọc theo sông Hậu có những kênh rạch dẫn nước vào đồng như kênh Thầy Phó, kênh Bình Mỹ, kênh xáng Cây Dương, kênh Phù Dật, kênh Chữ S, kênh xáng Vịnh Tre, kênh Cần Thảo, kênh Đào...

Do Châu Phú là huyện đầu nguồn sông Cửu Long nên vào khoảng tháng 6 dương lịch hàng năm huyện Châu Phú đều phải đối mặt với mùa lũ. Tình hình lũ ở An Giang nói chung và ở Châu Phú nói riêng diễn biến phức tạp, đỉnh lũ biến động bất thường qua các năm khác nhau. Lũ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế xã - hội và đời sống nhân dân. 

Lũ gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Trong trận lũ lớn năm 2000 đỉnh lũ cao 4,9 m đã làm thiệt hại khoảng 37.120 triệu đồng với tổng diện tích lúa bị gặt ép là 973 ha, làm hư 28 cây cầu và 172 km đường giao thông, cuốn trôi 117 nhà và làm siêu vẹo 684 nhà, số người chết là 24 người (trong đó có đến 18 trẻ em) (Phòng thống kê huyện Châu Phú, 2007).

Bên cạnh đó, lũ cũng mang lại một nguồn lợi lớn cho người dân nơi đây. Mùa lũ đã tạo điều kiện để người dân trong huyện có thêm thu nhập thông qua các hoạt động như: đánh bắt - nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng các loại cây thủy sinh, giao thông vận tải đường thủy....Ngoài ra, lũ còn có tác dụng vệ sinh đồng ruộng, bồi đắp phù sa cho đất.

Lịch sử
 

Năm 1832, địa bàn huyện Châu Phú ngày nay thuộc huyện Tây Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang, bao gồm các thôn: Vĩnh Ngươn, Vĩnh Tế Sơn thuộc tổng Châu Phú và các thôn Bình Mỹ, Vĩnh Thạnh Trung thuộc tổng Định Thành.

Từ năm 1867 đến 1873, Quản cơ Trần Văn Thành tập hợp nghĩa binh tại Láng Linh - Bảy Thưa để chống Pháp. Hiện đền thờ ông tọa lạc tại xã Thạnh Mỹ Tây, bên bờ kênh xáng Vịnh Tre.

Năm 1899, Pháp bỏ hạt lập tỉnh, vùng đất này thuộc quận Châu Thành, tỉnh Châu Đốc. Năm 1917, huyện Châu Phú ngày nay tương ứng với các xã Bình Long, Bình Mỹ, Khánh Hoà, Thạnh Mỹ Tây, Vĩnh Thạnh Trung của tổng An Lương và các xã Mỹ Đức, Châu Phú của tổng Châu Phú, quận Châu Thành, tỉnh Châu Đốc, bao gồm cả phần đất của thị xã Châu Đốc bây giờ.

Năm 1919, quận Châu Thành đổi thành quận Châu Phú, thuộc tỉnh Châu Đốc. Ngày 24-04-1957, quận Châu Phú thuộc tỉnh An Giang, gồm 3 tổng với 27 xã. Ngày 06-08-1957, tách một phần phía Bắc quận Châu Phú để thành lập quận An Phú, bao gồm tổng An Phú với 9 xã và 4 xã của tổng Châu Phú là Đa Phước, Vĩnh Hậu, Vĩnh Phong, Vĩnh Trường. Quận Châu Phú còn lại 2 tổng với 14 xã là: Châu Giang, Châu Phú, Mỹ Đức, Vĩnh Ngươn, Vĩnh Tế thuộc tổng Châu Phú; Bình Long, Bình Mỹ, Bình Thạnh Đông, Hoà Lạc, Hiệp Xương, Hưng Nhơn, Khánh Hoà, Thạnh Mỹ Tây, Vĩnh Thạnh Trung.

Ngày 01-10-1964, quận Châu Phú thuộc tỉnh Châu Đốc. Năm 1970, quận Châu Phú có 2 tổng là Châu Phú và An Lương với tất cả 15 xã, bao gồm cả thị xã Châu Đốc và một phần huyện Phú Tân ngày nay. Ngày 22-04-1972, quận lỵ Châu Phú được dời về xã Mỹ Đức

Về phía Cách mạng, sau tháng 08-1945, Châu Phú thuộc tỉnh Châu Đốc. Ngày 06-03-1948, huyện Châu Phú được đổi tên thành Châu Phú A, thuộc tỉnh Long Châu Hậu. Cuối năm 1950, huyện Châu Phú A thuộc tỉnh Long Châu Hà. Cuối năm 1954, huyện Châu Phú A đổi lại thành huyện Châu Phú, thuộc tỉnh Châu Đốc. Giữa năm 1957, huyện Châu Phú thuộc tỉnh An Giang, giống như sự phân chia của chính quyền Sài Gòn. Giữa năm 1966, tách một phần huyện Châu Phú thành lập thị xã Châu Đốc. Tháng 12-1968, Châu Phú cắt 4 xã Hưng Nhơn, Hiệp Xương, Bình Thạnh Đông và Hoà Lạc nhập với 4 xã Long Sơn, Phú Lâm, Phú An, Hoà Hảo của Tân Châu thành lập huyện Phú Tân. Tháng 10-1971, huyện Châu Phú thuộc về tỉnh An Giang. Tháng 05-1974, huyện Châu Phú thuộc tỉnh Long Châu Hà.

Sau năm 1975, huyện Châu Phú thuộc tỉnh An Giang, gồm 8 xã là: Vĩnh Ngươn, Vĩnh Tế, Mỹ Đức, Khánh Hoà, Vĩnh Thạnh Trung, Thạnh Mỹ Tây, Bình Long và Bình Mỹ. Ngày 27-01-1977, giao xã Vĩnh Ngươn về thị xã Châu Đốc. Ngày 25-04-1979, thành lập thị trấn Cái Dầu và 4 xã: Mỹ Phú, Ô Long Vĩ, Bình Phú và Bình Chánh. Ngày 23-08-1979, giao xã Vĩnh Tế về thị xã Châu Đốc và nhận xã Bình Thủy từ huyện Châu Thành. Ngày 12-01-1984, thành lập xã Đào Hữu Cảnh, huyện Châu Phú chính thức bao gồm 12 xã và 1 thị trấn như ngày nay.

Xã hội
 

Giáo dục

Châu Phú là địa phương quan tâm nhiều đến công tác giáo dục. Ngoài hệ thống giáo dục chính quy, huyện còn tổ chức nhiều loại hình giáo dục nhằm phổ cập và xã hội hoá hoạt động giáo dục trên địa bàn huyện nhà. Năm học 2008 - 2009, phòng Giáo dục huyện Châu Phú đã tổ chức triển khai thí điểm các lớp "Dịch vụ công" ở ba trường Trung học Cơ sở (THCS) trên địa bàn: THCS Cái Dầu (4 Lớp), THCS Bình Mỹ (1 lớp), THCS Mỹ Đức (2 lớp). Đây là hình thức giáo dục chất lượng cao với cơ sở vật chất tối ưu (phòng máy lạnh có trang bị hệ thống máy chiếu kết nối với máy vi tính để phục vụ giảng dạy bằng bài giảng điện tử). Đặc biệt, học ở các lớp này học sinh sẽ được nhà trường theo dõi thường xuyên và thông báo với gia đình về các mặt rèn luyện của học sinh, từ đó nhà trường sẽ tổ chức bồi dưỡng cho những học sinh khá giỏi và phụ đạo cho những học sinh yếu, vì vậy các em khôngphải đi học thêm bất cứ môn học nào.

Phúc lợi xã hội

Châu Phú là địa phương có nhiều dân tộc, công tác chăm lo đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số là một vấn đề đáng được quan tâm của huyện. Từ đầu năm 2008 đến nay, bên cạnh các dự án tu sửa cầu treo, nâng cấp, mở rộng tuyến đường giao thông nông thôn nối liền các thôn, ấp của bà con dân tộc Khmer, Chăm ở 2 xã Bình Mỹ, Khánh Hoà với các khu dân cư người Kinh, huyện Châu Phú còn chú trọng nâng cao đời sống kinh tế, văn hoá, giáo dục phục vụ đồng bào dân tộc bằng các chính sách hỗ trợ vốn vay giúp hộ nghèo phát triển sản xuất chăn nuôi, mua bán nhỏ, góp phần triển khai hiệu quả Chương trình xóa đói giảm nghèo ở cơ sở. Qua đó hạ tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm hơn 15% so cùng kỳ năm ngoái. Có 40% hộ gia đình Khmer đạt mức sống khá, 80% hộ đồng bào Chăm giữ vững danh hiệu “Gia đình văn hoá”.
Thời gian qua, từ các nguồn vận động tài trợ và đóng góp tự nguyện của các tầng lớp nhân dân, huyện Châu Phú còn xây cất mới 35 căn nhà gỗ thuộc Chương trình 134, mỗi căn trị giá 10 triệu đồng tặng hộ nghèo đồng bào Khmer, Chăm có nơi cư trú ổn định.

Kinh tế
 

Năm 2008, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt 14,6%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp, dịch vụ. Hiện nay, thế mạnh kinh tế của huyện là Nông nghiệp, phấn đấu đến năm 2020, cơ cấu kinh tế của huyện là: Thương mại - Dịch vụ,  Công nghiệp - xây dựng và Nông nghiệp.

Nông nghiệp

Nhờ làm tốt công tác thủy lợi nên diện tích và sản lượng cây trồng của huyện không ngừng gia tăng qua các năm. Năm 2005, sản lượng lương thực của huyện đạt 484.257 tấn, bình quân lương thực đầu người là 1.928 kg/năm, diện tích các loại cây trồng đạt 86.271 ha, trong đó có 7.000 ha sản xuất 3 vụ/năm. Huyện cũng đã chuyển dịch được 1.500 ha từ sản xuất lúa sang trồng hoa màu và chăn nuôi thủy sản. Bình quân, giá trị sản xuất trên 1 ha là 45 triệu đồng/năm.

Phấn đấu đến năm 2020, huyện đạt tổng diện tích gieo trồng cả năm lên trên 102.000 ha, tổng sản lượng lương thực đạt gần 614 ngàn tấn/năm. Huyện sẽ chuyển phần lớn diện tích nông nghiệp của xã Khánh Hòa, Bình Thủy  và thị trấn Cái Dầu sang chuyên canh màu, phần diện tích còn lại của các vùng này thực hiện chuyên canh giống. Đối với các xã khác thực hiện sản xuất 3 vụ /năm và có trên 50% diện tích sản xuất lúa thơm và lúa đặc sản theo nhu cầu thị trường, đồng thời các giống lúa khác đưa vào sản xuất phải đảm bảo 3 tiêu chuẩn: Năng suất cao, chất lượng tốt và kháng sâu bệnh.

Nhằm tạo điều kiện cho bà con nông dân trong huyện đẩy mạnh thực hiện cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp, năm 2008, ngành nông nghiệp huyện Châu Phú đã thẩm định cho bà con nông dân vay vốn đầu tư 16 máy gặt đập liên hợp và 11 máy sấy lúa; chủ yếu là nông dân ở các xã có diện tích sản xuất nông nghiệp khá lớn như: Thạnh Mỹ Tây, Đào Hữu Cảnh, Vĩnh Thạnh Trung… Tính đến nay, huyện Châu Phú có tổng cộng 54 máy gặt đập liên hợp, 7 máy gặt xếp dãy và 322 máy sấy lúa.

Với chiều dài trên 33 km dọc theo tuyến quốc lộ 91, cặp bờ sông Hậu và 2/3 cánh đồng nằm trên vùng Láng Linh, Châu Phú có nhiều tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản song song với cây lúa và hoa màu, đặc biệt ở 2 xã cù lao là Khánh Hòa và Bình Thủy. Từ năm 1996, huyện đã tập trung quy hoạch và phát triển mạnh mô hình nuôi cá tra ở các xã, thị trấn cặp bờ Tây sông Hậu như: Khánh Hòa, Mỹ Phú, Vĩnh Thạnh Trung, Cái Dầu, Bình Mỹ, Bình Thủy. Tính đến nay, toàn huyện đã có 329 ha nuôi trồng thủy sản (tập trung ở các xã ven tuyến kinh chính, sông Hậu và quốc lộ 91) và 332 bè (Khánh Hòa và Mỹ Phú), tổng sản lượng năm 2004 đạt khoảng 35.000 tấn.

Từ nay đến năm 2010, huyện Châu Phú quy hoạch vùng nuôi cá tra và tôm càng xanh trên tổng diện tích 1.348 ha. Trước mắt, triển khai dự án thử nghiệm ở 2 xã Bình Thủy, Khánh Hòa, với diện tích 450 ha. Riêng vùng nuôi tôm càng xanh quy hoạch 430 ha ở các xã: Bình Long (40 ha), Bình Phú (150 ha), Thạnh Mỹ Tây (120 ha) và Vĩnh Thạnh Trung (120 ha). Song song đó, huyện còn tập trung thực hiện các dự án: Đào tạo huấn luyện nhân lực xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản an toàn và chất lượng thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế SQF; huấn luyện kỹ năng sản xuất giống thủy sản gắn với xã hội hóa sản xuất giống thủy sản và dự án quảng bá thương hiệu cá tra, cá ba sa An Giang. Những năm gần đây, giá cá tra, basa không ổn định đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của nhiều hộ chăn nuôi. Trung tâm Giống thủy sản An Giang lựa chọn nuôi thí điểm giống cá chình bông ở xã Bình Chánh, huyện Châu Phú và cho kết quả khả quan. Hiện nay, mô hình này đang được nhân rộng ra toàn huyện và tỉnh.

Thương mại - Dịch vụ

Chợ Vịnh Tre - Ảnh: Hoàng Chí Hùng

Năm 2008, tỷ trọng Thương mại - Dịch vụ của huyện Châu Phú chiếm 33,7% trong cơ cấu kinh tế. Những năm qua, Châu Phú đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính để hỗ trợ thiết thực cho nhà đầu tư, theo phương châm “Trách nhiệm, một cửa và thân thiện”.  Nhờ đó, trong 3 năm qua, huyện đã mời gọi đầu tư được 8 dự án xây dựng chợ với quy mô gần 100 ha, tổng mức đầu tư trên 5.000 tỷ đồng, như: Trung tâm Thương mại Nam Châu Đốc quy mô 22 ha, vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng; khu dân cư – chợ Vịnh Tre quy mô 12 ha, vốn đầu tư trên 60 tỷ đồng; Trung tâm thương mại Châu Phú quy mô 10 ha, vốn đầu tư 50 tỷ đồng; Khu dân cư – chợ Mỹ Đức quy mô 15 ha, vốn đầu tư 75 tỷ đồng; Khu dân cư chợ Kinh 7 - Vĩnh Thạnh Trung quy mô 7ha, vốn đầu tư 35 tỷ đồng và các dự án dân cư - chợ khác như: chợ Long Châu của xã Thạnh Mỹ Tây, chợ Kinh Cốc - Đào Hữu Cảnh, chợ xã Bình Thủy…

Hàng năm, huyện có kế hoạch phát triển đô thị ở nông thôn, trong đó giai đoạn 2010 - 2015 phát triển thêm các thị trấn Bình Mỹ, Ô Long Vỹ và Bình Long, đồng thời đẩy mạnh các loại hình dịch vụ dọc theo quốc lộ 91; kết hợp với phát triển đô thị tạo thành dãy băng đô thị gắn kết theo chuỗi trục đô thị Long Xuyên và thị xã Châu Đốc. Phấn đấu đến giai đoạn 2015 - 2020, Châu Phú  trở thành thị xã với quy mô đô thị loại 3 và các xã ven quốc lộ 91 trở thành phường.
Ngày 01-02-2009, huyện vừa làm lễ khánh thành Khu dân cư thương mại chợ Châu Phú, trên địa bàn xã Vĩnh Thạnh Trung. Dự án do Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Xây dựng Tây Đô làm chủ đầu tư, có quy mô 8,5 ha. Sau gần 3 năm thực hiện đến nay, công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, có cảnh quan thiên nhiên, an toàn phòng cháy chữa cháy, vệ sinh đô thị…

Công nghiệp

Năm 2004, giá trị sản xuất công nghiệp của huyện đạt 116 tỷ đồng. Các ngành nghề phổ biến như: chế biến lương thực và xay xát, ngành chế biến thủy hải sản xuất khẩu....các nghề thủ công truyền thống như đan võng, đan lát, làm nước mắm cũng tiếp tục phát triển.

Tin từ Ủy ban Nhân dân huyện Châu Phú cho biết, đến tháng 11-2008, huyện đã mời gọi đầu tư được 16 dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, gồm: 9 dự án thương mại kết hợp dân cư có quy mô 86 ha với tổng mức đầu tư gần 500 tỷ đồng, trong đó 7 khu thương mại kết hợp dân cư đã đưa vào hoạt động. Riêng 6 dự án công nghiệp - dịch vụ có quy mô 450 ha và 1 dự án đường tránh quốc lộ 91 dài 9 km có tổng vốn đầu tư trên 2.000 tỷ đồng đang trong giai đoạn vận hành, khi hoàn thành sẽ thúc đẩy nhanh sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. 

Các dự án kêu gọi đầu tư

1. Dự án khu công nghiệp (KCN) Bình Long mở rộng với diện tích 200 ha nằm ở phía bờ Tây KCN Bình Long thuộc xã Bình Long.

2. Dự án khu dịch vụ – văn hoá – thể dục thể thao và khu dân cư Bắc quốc lộ 91 thuộc thị trấn Cái Dầu, quy mô 60 ha.

3. Dự án đường số 3 – thị trấn Cái Dầu: Quy hoạch khu dân cư và dịch vụ phục vụ cho khu công nghiệp Bình Long, quy mô 10 ha.

4. Dự án khu dân cư Tây Bắc quốc lộ 91: quy mô 35 ha để xây dựng khu tái định cư cho các dự án tại thị trấn Cái Dầu.

5. Dự án khu công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp Vĩnh Thạnh Trung: quy mô 50 ha (tiếp giáp bờ Đông quốc lộ 91 và KCN hiện hữu; bờ Tây cặp rạch Thông Lưu; bờ Nam giáp trường Đại học An Giang cơ sở 2; bờ Bắc giáp trung tâm thương mại Vịnh Tre của thị trấn Vịnh Tre).

6. Dự án khu công nghiệp – chợ thủy sản Mỹ Phú: quy mô 100 ha (bờ Đông giáp quốc lộ 91; bờ Tây giáp sông Hậu; bờ Nam giáp kênh Vịnh Tre và bờ Bắc giáp khu dân cư cách trung tâm thị xã Châu Đốc 8 km thuộc xã Mỹ Phú).

7. Dự án khu dân cư dịch vụ sinh thái Thất Sơn: quy mô 100 ha, xây dựng làm nơi dừng chân và điểm hẹn cho du khách (phía Đông giáp quốc lộ 91 và sân bay 500 ha, đường cao tốc nối liền từ thành phố Cần Thơ - huyện Tịnh Biên qua quốc lộ 2 vương quốc Campuchia) thuộc xã Mỹ Đức.

8. Dự án sân bay Châu Đốc: quy mô 500 ha, nằm ở cánh đồng lớn thuộc xã Mỹ Đức cách trung tâm thị xã Châu Đốc 4 km.

9. Dự án đường chính quốc lộ 91 trên trục Châu Phú (từ xã Bình Long đến thị xã Châu Đốc): kêu gọi đầu tư theo phương thức đầu tư khai thác phí giao thông và khai thác Khu dịch vụ quốc lộ 91.

10. Dự án xây dựng vùng nguyên liệu nuôi trồng thủy sản xã Khánh Hoà: quy mô 400 ha, nằm giáp sông Hậu, cách trung tâm thị xã Châu Đốc 5 km và KCN Mỹ Phú 500 m.

11. Dự án xây dựng vùng nguyên liệu nuôi trồng thủy sản đuôi cồn Bình Thủy: quy mô 200 ha, nằm cặp sông Hậu cách KCN Bình Long 8 km và cách thành phố Long Xuyên 25 km.

12. Các dự án xây dựng chợ Trường, chợ Đình Bình Mỹ, chợ Thơm Rơm, chợ Mương Khai, chợ Năng Gù.


©2023 Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt