Lãnh thổ Châu Đốc nguyên là đất thuộc nước Chân Lạp, gọi là Tầm Phong Long (Kompong Long). Năm 1757, vua Chân Lạp nhường cho chúa Nguyễn, chúa Nguyễn giao cho Nguyễn Cư Trinh vào và thành lập đạo Châu Đốc cùng với đạo Tân Châu và đạo Đông Khẩu (Sa Đéc). Sau khi Gia Long lên ngôi, năm 1805, vua đặt lại địa giới hành chính, Châu Đốc thuộc huyện Tây Xuyên, trấn Hà Tiên, và gọi là Châu Đốc Tân Cương. Năm 1808, Châu Đốc thuộc huyện Vĩnh Định, phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh, thuộc thành Gia Định. Năm 1815, triều Nguyễn cho xây thành Châu Đốc. Đến 1825, Châu Đốc tách riêng thành Châu Đốc trấn. Năm 1832, Minh Mạng đổi trấn thành tỉnh, phủ Gia Định chia thành Nam Kỳ lục tỉnh: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, Hà Tiên và An Giang. Trấn Châu Đốc đổi thành tỉnh An Giang, tỉnh lỵ đặt tại thành Châu Đốc. Địa bàn Châu Đốc ngày nay là đất của các thôn: Châu Phú, Vĩnh Ngươn, Vĩnh Tế Sơn thuộc tổng Châu Phú, huyện Tây Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang năm 1832. Năm 1834, vua Minh Mạng cho triệt phá thành Châu Đốc cũ (1815) xây dựng thành Châu Đốc mới theo hình bát quái.
Ngày 22-06-1867, Pháp đem quân đánh chiếm Châu Đốc. Năm 1868, sau khi chiếm được 3 tỉnh miền Tây, Pháp chia Nam Kỳ thành 24 hạt tham biện. Trong đó, hạt Châu Đốc trông coi hạt Đông Xuyên (Long Xuyên) và Sa Đéc. Ngày 30-12-1899, toàn quyền Đông Dương ra Nghị định: đổi hạt tham biện thành tỉnh; chia An Giang thành 2 tỉnh Châu Đốc và Long Xuyên. Tỉnh Châu Đốc gồm 12 tổng: Thành Tín, Thành Lâm, Thành Ý, Thanh Ngãi, Thanh Lễ, Quý Đức, Châu Phú, An Lương, An Phú, An Phước, An Thành, An Lạc. Tỉnh lỵ là Châu Đốc.
Đến cuối năm 1956, chính quyền Ngô Đình Diệm sát nhập Châu Đốc với Long Xuyên thành tỉnh An Giang, địa bàn Châu Đốc nằm trên xã Châu Phú thuộc tổng Châu Phú, quận Châu Phú, tỉnh An Giang. Năm 1964, sau khi Chính quyền Sài Gòn tách tỉnh, Châu Đốc thuộc tổng Châu Phú, quận Châu Phú, tỉnh Châu Đốc cho đến ngày giải phóng 30-04-1975.
Trong Cách mạng tháng 8, lực lượng Cách mạng khởi nghĩa giành chính quyền ngày 24-08-1945. Đến 20-01-1946, Pháp chiếm lại Châu Đốc. Theo sự phân chia của chính quyền Cách mạng, 06-03-1948, Châu Đốc thuộc huyện Châu Phú A của tỉnh Long Châu Hậu. Đến cuối năm 1950, huyện Châu Phú A thuộc tỉnh Long Châu Hà. Từ năm 1957, Châu Đốc thuộc huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Đến giữa năm 1966, thành lập thị xã ủy Châu Đốc; mùa nước nổi năm 1967, thực hiện chỉ đạo của khu ủy khu 8 và tỉnh ủy An Giang trong hội nghị mở rộng tại núi Tô, Châu Đốc được chọn làm mặt trận chính của tỉnh trong chiến dịch Xuân 68. Năm 1971, huyện Châu Phú vẫn thuộc tỉnh An Giang sau khi tách tỉnh Châu Hà. Tháng 05-1974, huyện Châu Phú thuộc tỉnh Long Châu Hà theo Hội nghị thường trực Trung ương Cục cho đến ngày giải phóng.
Tháng 02-1976, thị xã Châu Đốc thuộc tỉnh An Giang, gồm 2 xã: Châu Phú A và Châu Phú B. Ngày 27-01-1977, nhận thêm xã Vĩnh Ngươn của huyện Châu Phú theo Quyết định số 199/TC.UB của UBND tỉnh An Giang. Ngày 25-04-1979, chuyển 2 xã Châu Phú A, Châu Phú B thành phường Châu Phú A, Châu Phú B và thành lập xã Vĩnh Mỹ theo Quyết định 181/CP của Chính phủ. Ngày 23-08-1979, nhận thêm xã Vĩnh Tế của huyện Châu Phú theo Quyết định 300/CPcủa Chính phủ. Ngày 22-03-2002, tách một phần xã Vĩnh Tế để thành lập phường Núi Sam. Ngày 01-09-2007, thị xã Châu Đốc tổ chức lễ công nhận đô thị loại 3.
|
Tượng đài cá basa tại công viên Châu Giang - Ảnh: Hoàng Chí Hùng |
Thị xã Châu Đốc là trung tâm kinh tế lớn thứ 2 của tỉnh An Giang, sau thành phố Long Xuyên. Năm 2003, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 13,28%, GDP bình quân đầu người là 8,525 triệu đồng.
Thương mại - Dịch vụ là thế mạnh kinh tế của thị xã. Năm 2003, tốc độ tăng trưởng của ngành này đạt 17,31%, chiếm 61,33% cơ cấu kinh tế của địa phương. Năm 2008, lĩnh vực Thương mại - Dịch vụ trên địa bàn thị xã Châu Đốc tiếp tục phát triển mạnh, ước doanh thu thông qua các chợ đạt 2.296 tỷ đồng, bằng 148% so kế hoạch năm. Châu Đốc đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát triển đồng bộ lĩnh vực Thương mại - Dịch vụ như: đầu tư xây dựng các trung tâm mua bán, khuyến khích phát triển hệ thống cửa hàng, siêu thị, tăng cường quản lý thị trường để kiểm soát chất lượng hàng hoá, thực hiện đề án văn minh thương mại để nâng cao chất lượng phục vụ các loại hình dịch vụ làm hài lòng du khách. Nhờ đó, lượng du khách đến với thị xã cũng tăng theo từng năm. Năm 2008 tiếp tục đạt và vượt kế hoạch với khoảng 2,5 triệu lượt người.
Ngành Công nghiệp - Xây dựng cũng có những phát triển đáng ghi nhận. Năm 1995, thị xã có khoảng 482 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thu hút 1.615 lao động. Năm 2003, đã có 329 cơ sở và 8 doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, giải quyết việc làm cho 2.736 lao động.
Ngành Nông nghiệp được quan tâm đúng mức. Trong những năm qua, thị xã đã tập trung đầu tư rất lớn cho việc đào kênh, đắp đê ngăn lũ, mở rộng hệ thống kênh mương; xóa bỏ thói quen canh tác lúa 1 vụ, tiến hành canh tác lúa thuần nông 2 vụ. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp không ngừng phát triển, diện tích khai hoang phục hoá, thâm canh tăng vụ ngày một tăng lên. Năm 2003, tổng diện tích gieo trồng trên địa bàn thị xã là 78.435 ha, tăng hơn 12 lần so với năm 1975. Sản lượng lương thực năm 2003 đạt trên 83.724 tấn.