Côn Đảo
|
Côn Đảo nhìn từ trên cao - Ảnh: dulichmailinh.vn |
Côn Đảo là tên một quần đảo ngoài khơi thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cách thành phố Hồ Chí Minh 120 hải lý. Côn Đảo gồm có 16 hòn đảo lớn nhỏ, với diện tích 76 km2. Trong đó, đảo lớn nhất là đảo Côn Sơn, có diện tích 51 km2. Nhìn trên bản đồ, Côn Đảo giống như một chú gấu vươn mình ra biển Đông với nhiều bãi biển nước trong xanh và bờ cát dài ẩn mình dưới những hàng cây bàng cổ thụ.
Ngày 1/2/1862, Đô đốc Bonard ký quyết định thành lập nhà tù Côn Đảo và từ đó biến nơi đây thành địa chỉ giam giữ những người tù chính trị Việt Nam với hệ thống chuồng cọp nổi tiếng. Đến Côn Đảo bằng đường thủy, di tích lịch sử đầu tiên mà du khách đặt chân lên là Cầu tàu Côn Đảo. Được khởi công từ năm 1873, sau đó mở rộng và sửa chữa nhiều lần cho đến ngót một thế kỷ sau Cầu tàu mới có dạng như ngày nay. Trước Cầu tàu là hàng ngàn, hàng vạn, hàng triệu những phiến đá ngổn ngang, nằm xếp lớp theo kè ngang kè dọc. Mỗi phiến đá lớn hàng thuớc khối, nặng hàng tấn kia đều ẩn chứa trong nó một câu chuyện buồn. Chúng chính là kết quả lao động khổ sai của hàng ngàn người tù khi họ xeo chúng từ Núi Chúa về đến đây. Cứ 12 người cùng xeo một tảng lớn: xeo không được thì sẽ chết vì đòn roi, còn xeo được thì cũng mất mạng vì kiệt sức. Và cứ nhìn cái đám đá đông đúc kia, người ta cũng chẳng thể nào hình dung: bao nhiêu xác thân đã kiệt quệ mà gục vào ráng chiều mênh mông sóng vỗ.
Qua khỏi Cầu tàu, du khách sẽ còn choáng ngợp hơn bởi một hệ thống trại giam được xây dựng quy mô gồm 8 trại chính, mỗi trại rộng từ 10.000 – 25.000m2, hàng chục trại phụ với 20 hầm đá, 14 xà lim, 31 gian biệt lập Chuồng Bò, 120 Chuồng Cọp, 384 Chuồng Cọp Mỹ. Có lẽ phải đến tận đây, người ta mới hình dung được phần nào về xứ sở đã từng là “địa ngục trần gian”: mỗi bước chân che lấp một cuộc đời, mỗi tảng đá là một trời đau khổ.
Khu trung tâm huyện Côn Đảo trải dọc ven biển, thoạt nhìn thật giống với thành phố biển Vũng Tàu. Những khu nhà nghỉ, những khách sạn, resort… hầu hết đều “ngoái mặt” ra biển để đón nắng, gió. Con đường Tôn Đức Thắng ven biển Côn Đảo chẳng khác mấy với đường Hạ Long của thành phố Vũng Tàu, cũng thênh thang, cũng lồng lộng, thơ mộng và quyến rũ với những nét cong, mềm mại của những cung đường.
 |
Côn Đảo hoang sơ - Ảnh: dulichcondao.vn |
Côn Đảo còn có vườn Quốc gia với rừng nguyên sinh và thảm động thực vật phong phú và đa dạng với nhiều loài cá đủ màu tung tăng bơi lội bên những rạn san hô nhiều tầng và đầy màu sắc. Rừng có nhiều chủng loại phong lan, động vật rừng có sóc đen, sóc đỏ dạ, chim gầm gì… Có thể nói, rừng ở Côn Đảo là hình ảnh thu nhỏ của các loại rừng Việt Nam trên một diện tích nhỏ hẹp. Đặc biệt Côn Đảo là một trong những nơi duy nhất tại Việt Nam bảo tồn bò biển (Dugong), cá heo, các loại rùa biển (Vích)... Đến Côn Đảo vào khoảng từ tháng 8 đến tháng 11, du khách sẽ thấy thú vị khi dõi theo những chú Vích đang mùa đẻ trứng vào ban đêm. Sau 50 ngày, trứng Vích sẽ nở ra. Bên cạnh Vích mẹ to lớn, nặng nề sẽ là những chú Vích con be bé, liên tục nhoi lên khỏi lớp cát, lạch bạch bò về vùng biển bao la để bắt đầu một cuộc đời mới. Ngoài ra, du khách cũng đừng bỏ qua cơ hội ngắm nhìn mặt trời mọc qua hòn Bảy Cạnh bởi các đám mây trên bầu trời cùng với tia nắng ban mai sẽ tạo nên một màn trình diễn ánh sáng kỳ ảo. Nếu đã ngắm một lần rồi thì sẽ không bao giờ quên được.
Biển ở Côn Đảo biểu cảm theo thời tiết như cô gái đang độ trăng tròn. Lúc trời êm, biển xanh, thì sóng vỗ lăn tăn, thoắt một cái trời giông: mặt biển liền xám lại, sóng cuồn cuộn, xô ầm ào vào bãi đá. Trong các bãi biển ở Côn Đảo thì bãi Đầm Trầu được xem là bãi biển đẹp nhất. Đó là bãi biển cát mịn trải dài như lụa vàng thắt ngang tấm thảm xanh, nửa vắt lên những vạt rừng, nửa buông xõa trên mặt biển. Xa xa là vách đá uy nghiêm với triền đá thoai thoải trải dài đến tận mép nước như thân thiện, như chào mời. Thấp thoáng đâu đó, một rặng vông hoa đỏ rực giữa màu thiên thanh của trời, xanh thẫm của biển và những tảng đá sóng đôi.
|
Ốc ngọt hấp sả - Ảnh: dulich.tuoitre.vn |
Ngoài ốc vú nàng, trùn biển…Côn Đảo còn sở hữu một loại ốc ngon ít người biết, đó là ốc ngọt. Ốc ngọt là loại ốc sống ven biển có vỏ dày gân nhám, màu xanh xám, miệng không có mày. Ốc ngọt xuất hiện vào hai con nước trong tháng, nước dâng cao ốc di chuyển xa bãi biển, nước rút cạn ốc bám vào khe đá nơi bờ. Và, người dân nơi đây chờ con nước cạn xuống mé biển để bắt ốc. Nếu thích thưởng thức ốc “nguyên sơ” hương vị biển thì cứ hấp sả rồi chấm với muối tiêu chanh, còn muốn cầu kỳ hơn thì du khách phải tỉ mẩn, mất thời gian lể thịt ốc cho vào đĩa thêm gia vị sau đó trộn với ghém chuối xắt mỏng thêm miếng rau răm. Và dù có thưởng thức kiểu nào đi nữa thì thịt ốc giòn vẫn cho vị ngọt, mềm, mùi thơm pha lẫn vị mằn mặn của muối biển, ăn một đĩa lại muốn ăn thêm.
Nếu những món ăn chế biến từ con hàu biển như hàu mù tạt, cháo hàu, hàu đúc trứng v.v... đã quá quen thuộc với nhiều người thì có lẽ mắm hàu Côn Đảo là món ăn còn mới. Cũng như những loại mắm thông thường khác, nguyên liệu để chế biến mắm hàu chính là con hàu có sẵn trong thiên nhiên. Loại này sống rất nhiều ở bãi đá chung quanh các hòn của quần đảo Côn Lôn. Hàng ngày, chờ cho thủy triều xuống, những người làm mắm hàu chạy ghe ra các hòn để gõ hàu lấy ruột. Đồ nghề mang theo là một chiếc búa mỏ nhọn, một chiếc nhíp gắp và một chiếc ca nhựa. Người ta dùng chiếc búa mỏ nhọn này gõ vào miệng con hàu sữa nhỏ bằng ngón tay cái, sau đó lật nhẹ lớp vỏ bên trên rồi lấy nhíp gắp miếng thịt trắng bên trong cho vào ca nhựa. Có ba thao tác đơn giản như vậy, nhưng người mới vào nghề chưa quen tay thường gõ trật, còn người thâm niên hơn thì một ngày có thể gõ được 5 kg ruột hàu. Mang về nhà, ruột hàu được đãi rửa sạch sẽ và để cho ráo nước. Sau đó đảo đều với muối, ớt bột, rượu theo tỉ lệ phần trăm rồi đóng chai. Khoảng hai mươi ngày sau, chai mắm hàu đổi màu, lúc phần thịt nổi lên trên còn phần nước lắng phía dưới có màu đỏ tươi là ăn được. Tuy nhiên thời gian ủ càng lâu thì mắm càng ngấu, dậy mùi thơm nồng và ăn càng ngon. Với nhiều người dân Côn Đảo, mắm hàu còn là thứ nước chấm bình dân không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày, đôi khi còn là món ăn chính trong những ngày biển động. Còn với du khách, khi ra thăm đảo, lúc về đất liền thường mang theo những chai mắm hàu để làm quà cho người thân thưởng thức.
Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến mứt bàng – một đặc sản khác khá phổ biến ở Côn Đảo. Nói thế là bởi từ rất lâu cây bàng đã gắn liền với người dân nơi đây. Bàng ở Côn Đảo là loại cây rừng, lá và quả thật to. Có thể thấy cây bàng ở khắp nơi trên đảo, từ những con đường ven biển cho đến tận ngóc ngách các con phố. Bàng mọc thành hàng xanh mát, có cây đã thành cổ thụ mà thân hai, ba người ôm không hết. Quả bàng chín rộ vào mùa hè, tầm tháng 7, tháng 8. Người ta gom bàng chín rụng, đem về phơi khô bốn năm nắng rồi dùng dao đập vỏ tách lấy hạt. Sau đó đem rang lên cho khéo để có được những hạt bàng mập mạp đều nhau. Hạt bàng sau khi tách ra có màu nâu thẫm như màu gỗ, cắn đôi sẽ thấy từng lớp màu trắng ngà bên trong xếp cuộn vào nhau có vị bùi bùi và giòn tan khi đưa vào miệng. Mứt hạt bàng có hai loại, mặn và ngọt. Gọi là mứt nhưng thật sự đó là hạt bàng rang với muối hoặc với đường như đậu phộng rang muối, đường ở đất liền.