Thành phố Buôn Ma Thuột
Địa chỉ hiện nay
TP Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk
Vị trí
Thành phố tỉnh lỵ tỉnh Đắk Lắk. Đông giáp huyện Krông Pắk. Tây giáp tỉnh Đắk Nông. Nam giáp huyện Krông Ana. Bắc giáp huyện Cư M’gar.
Thông tin sơ lược
Diện tích: 368,6km2
Dân số: 299 300 người (2004)
Mật độ dân số: 812 người/km2
Bao gồm 13 phường: Ea Tam, Khánh Xuân, Tân Tiến, Thắng Lợi, Tân Lợi, Tân An, Tân Hoà, Tân Lập, Thống Nhất, Thành Nhất, Tự An, Tân Thành, Khánh Thành và 6 xã: Cư Ê Bur, Ea Tu, Hoà Thuận, Hoà Thắng, Hoà Xuân, Ea Kao, Hoà Phú, Hoà Khánh.
Thành phố Buôn Ma Thuộc được thành lập theo Nghị định 8-CP của Chính phủ ngày 21 tháng 1 năm 1995.
Nguồn gốc tên gọi
Buôn Ma Thuột tiếng Êđê nghĩa là “bản hoặc làng của Ama Thuột” (tên một tù trưởng có nghĩa là bố ông Thuột). Buôn Ma Thuột còn có các âm khác là Buôn Mê Thuột, Ban Mê Thuột, có khi gọi tắt là Ban Mê. Có nhiều cách gọi khác nhau về thành phố này: Ban Mê Thuột, Ban Mê Thuật, Buôn Ma Thuột, Buôn Mê Thuật. Trong đó có ba cách gọi được dùng thường nhất là: Ban Mê Thuột, Buôn Mê Thuột và Buôn Ma Thuột.
Buôn Ma Thuột: bắt nguồn từ Buôn Ama Y Thuột (Buôn: làng, Ama: cha, Y Thuột là người có công sáng lập ra buôn làng sớm nhất).
Ban Mê Thuột: là tiếng Thái - Lào (Ban tức bản, làng. Mê: là mẹ, Thuột là tên người).
Buôn Mê Thuột: là sự lắp ghép giữa tiếng Thái - Lào và Êđê. Xét về ngữ học, cách viết này không ổn.
Trong đó, cách gọi Buôn Ma Thuột được xem là chính xác nhất. Bởi lẽ người Êđê là dân tộc thiểu số cư ngụ rất lâu đời ở đây. Theo phong tục của họ, con trai khi đã có vợ và con, nếu muốn gọi tên người đàn ông đó thì phải đệm từ "ma" vào trước tên của anh ta. Trong trường hợp nêu trên thì Thuột chính là tên của một người đã sáng lập ra cái buôn đó (cách nay đã hơn 100 năm). Như vậy, Ma Thuột là tên của một người, còn Buôn là tên gọi của làng bản ở Tây Nguyên. Mọi cách viết khác dù na ná nhau nhưng không chính xác, có lẽ là do đọc chệch hoặc hiểu sai mà thành. Tên gọi Buôn Ma Thuột đã được dùng chính thức trong hành chính của Việt Nam.
Lịch sử hành chính
Buôn Ma Thuột là vùng đất của người Êđê Kpă với khoảng 50 nhà dài nằm dọc theo suối Ea Tam do tù trưởng Ama Thuột cai quản. Đến năm 1904, khi Đắk Lắk được thành lập, Buôn Ma Thuột trở thành tỉnh lỵ tỉnh này. Ngày 5 tháng 6 năm 1930, Khâm sứ Trung Kỳ ra nghị định thành lập thị xã Ban Mê Thuột. Năm 1995, Buôn Ma Thuột trở thành thành phố, được công nhận là đô thị loại 3, và đến năm 2005 là đô thị loại 2.
Giao thông
Buôn Ma Thuột có đường Quốc lộ 14 đi Pleiku, Kontum, nối với Đà Nẵng về phía Bắc. Còn về phía Nam đi Đắk Nông, Bình Phước, Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh. Đường 26 đi Ninh Hoà, Nha Trang. Đường Quốc lộ 27 đi Đà Lạt.
Du lịch
Đến với Buôn Ma Thuột du khách có thể viếng chùa Ngọc Ban, Khải Đoan, các khu du lịch Cô Thông, thác D’ray Linh, D’ray Súp, Bảo tàng Buôn Ma Thuột…