<
Trang chủ » Tri Thức Việt
Từ khóa Toàn văn
Tỉnh Bắc Giang

Điều kiện tự nhiên

Vị trí

Bắc Giang là tỉnh miền núi thuộc khu vực Đông Bắc Bắc Bộ của Việt Nam. Phía Bắc giáp tỉnh Lạng Sơn. Phía Nam tiếp giáp các tỉnh Bắc Ninh, Hải DươngQuảng Ninh. Phía Tây giáp tỉnh Thái Nguyênthành phố Hà Nội. Phía Đông giáp tỉnh Quảng Ninh. Tỉnh đứng thứ 34 về diện tích và thứ 17 về dân số của cả nước.

Vị trí Bắc Giang nằm không xa các trung tâm công nghiệp của vùng  kinh tế trọng điểm phía Bắc gồm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Tỉnh lị là thành phố Bắc Giang, cách thủ đô Hà Nội khoảng 50km.

Vị trí của Bắc Giang tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho tỉnh phát triển kinh tế liên vùng, giao lưu kinh tế với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, các tỉnh vùng Đông Bắc và các tỉnh thành khác trong cả nước. Với những lợi thế này, Bắc Giang đã từng bước phát huy tiềm năng, đưa tỉnh trở thành một đầu mối kinh tế quan trọng nối cửa khẩu Lạng Sơn với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng.

Địa hình

Địa hình tỉnh Bắc Giang có thể chia làm ba khu vực :

- Khu vực miền núi thuộc lưu vực sông Lục Nam, có những đỉnh núi cao và hiểm trở.

- Khu vực miền đồi trung du thấp dần từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây. Các ngọn đồi có độ cao trung bình từ 30 - 50m. Khu vực này có nhiều vùng đất đai còn tốt, có thể trồng cây ăn quả, cây công nghiệp và chăn nuôi gia súc.

- Khu vực đồng bằng với kiểu thềm phù sa cổ với các đồi thoải lượn sóng cao dưới 30m trên các nền phù sa của sông Thương, sông Cầu.

Địa hình đa dạng là điều kiện để tỉnh Bắc Giang có thể phát triển nông - lâm nghiệp theo hướng đa dạng hoá với nhiều loại cây trồng, vật nuôi có giá trị sản phẩm cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Khí hậu

Do nằm ở vị trí đệm giữa khu vực núi Đông Bắc và đồng bằng sông Hồng nên khí hậu Bắc Giang có tính đa dạng của chế độ hoàn lưu gió mùa nhiệt đới. Một năm có bốn mùa rõ rệt. Mùa đông lạnh, ít mưa, sương muối xuất hiện nhiều trên vùng đồi núi. Mùa hạ nóng ẩm, mưa nhiều, lượng mưa phân bố không đều do ảnh hưởng của địa hình. Mùa xuân và mùa thu khí hậu dễ chịu. Lượng mưa trung bình cả năm là 1300 - 1800mm. Vùng núi bị chi phối bởi vĩ độ và vị thế bình phong nên ít mưa, khô hanh. Nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 22 - 23°C, độ ẩm dao động từ 73 - 75%. Nhiệt độ thấp dần từ trung du lên miền núi.

Khí hậu của tỉnh có chế độ nhiệt ẩm thích hợp với các nhu cầu sinh trưởng của các cây trồng nhiệt đới. Vùng đồi trung du lạnh vừa và ẩm là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các cây ăn quả và cây công nghiệp. Vùng núi lạnh và ẩm thuận lợi cho việc trồng cây gây rừng, trồng chè, các loại rau ôn đới, chăn nuôi gia súc.

Sông ngòi

Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 3 con sông lớn chảy qua là sông Cầu, sông Thươngsông Lục Nam. Sông Cầu chảy ở phía Tây Nam làm ranh giới với thành phố Hà Nộitỉnh Bắc Ninh, qua địa bàn các huyện Hiệp Hòa, Việt Yên và Yên Dũng. Sông Cầu còn có tên là Nguyệt Đức, nhân dân trong vùng còn gọi là sông Phú Lương. Sông có hai nguồn: một nguồn từ phía Nam sông Ngọc Long của tỉnh Thái Nguyên chạy vào, còn gọi là sông Hương La, có bến Vọng Nguyệt và Như Nguyệt. Một nguồn nữa là từ sông Bạch Hạc (Phú Thọ) chảy qua tỉnh, còn gọi là sông Cà Lồ. Sông Cầu có 69 nhánh, trong đó có hai nhánh lớn là sông Cà Lồ và sông Công.

Sông Lục Nam bắt nguồn từ tỉnh Lạng Sơn, chảy về phía Tây, qua địa bàn các huyện Sơn Động, Lục Ngạn và Lục Nam. Sông Lục Nam có 33 nhánh, trong đó có 4 nhánh lớn là sông Ràng, sông Thanh Luân, sông Cẩm Đàn và sông Bò.

Sông Thương có tên chữ là sông Nhật Đức. Sông Thương bắt nguồn từ vùng núi của huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, chảy qua các huyện Yên Thế, Lạng Giang, Tân Yên, thành phố Bắc Giang và huyện Yên Dũng. Sông có nhiều phụ lưu xuất phát từ các vùng có địa hình và địa chất khác nhau nên nước chảy đôi dòng, bên đục, bên trong. Cả ba con sông này hợp lưu ở Phả Lại, cùng với sông Đuống tạo thành hai dòng chảy chính là sông Thái Bình và sông Kinh Thầy, khiến cho khu vực này có đến 6 khúc sông nên gọi Lục Đầu giang. Sông Thương có 32 nhánh, trong đó có 3 nhánh lớn là sông Hoá, sông Tung và sông Sỏi.

Chế độ thuỷ văn của các sông gồm 2 mùa là mùa lũ và mùa cạn. Mùa lũ từ tháng 5 đến tháng 9, chiếm trên 70% lượng nước cả năm.

Hệ thống ao hồ, đầm của tỉnh tương đối lớn gồm những bể chứa nước quan trọng, cung cấp nước cho nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Bắc Giang có hai hồ nổi tiếng là hồ Cấm Sơn và hồ Khuôn Thần, thuộc huyện Lục Ngạn.

Sông ngòi của tỉnh không chỉ có giá trị về mặt thuỷ lợi mà còn cả về mặt phát triển thuỷ sản nước ngọt, du lịch và khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng như cát, sỏi.

Tài nguyên thiên nhiên

- Đất

Toàn tỉnh có  3.822km2 diện tích đất tự nhiên, trong đó đất đang sử dụng chiếm 77% tổng diện tích, bao gồm 123 nghìn ha đất nông nghiệp, 110 nghìn ha đất lâm nghiệp, 66,5 nghìn ha đất đô thị, đất chuyên dụng và đất ở, còn lại là các loại đất khác. 23% còn lại là đất đồi núi chưa sử dụng.

Xét về nguồn gốc phát sinh thì  đất ở Bắc Giang có hai nhóm chính là nhóm đất phát sinh tại chỗ do quá trình phong hoá mà hình thành và nhóm đất bồi tích do quá trình bồi tụ phù sa mà thành.

Xét về mặt thổ nhưỡng, Bắc Giang có các loại đất sau :

+ Đất feralit vùng núi. Diện tích đất này còn rừng tự nhiên che phủ nên tương đối tốt

+ Đất feralit vàng đỏ thuộc vùng gò đồi, phát triển trên đá phiến sét, phiến sa và biến chất. Loại đất này thường chua, khả năng giữ nước kém, tỉ lệ sắt trong đất cao, giàu canxi ... thích hợp trồng các loại cây công nghiệp, cây ăn quả ...

+ Đất feralit đỏ vàng biến đổi do quá trình canh tác, đã bạc màu nhưng có khả năng trồng được các cây công nghiệp, cây ăn quả

+ Đất phù sa cổ

+ Đất phù sa trong đê không được bồi hàng năm và đất phù sa ngoài đê được bồi hàng năm.

Trong số đất trên thì đất tương đối màu mỡ, hàm lượng dinh dưỡng cao chiếm khoảng 1/3 diện tích.

- Rừng

Bắc Giang có trên 129 nghìn ha rừng, trong đó có gần 64 nghìn ha rừng tự nhiên và hơn 46 nghìn ha rừng trồng. Trữ lượng gỗ khoảng 3,5 triệu m³. Rừng có nhiều loại gỗ quý như lim, lát, sến, dẻ ... và rừng tre nứa. Trong rừng còn có nhiều cây đặc sản, dược thảo như thông, trám, ba kích, sa nhân, đẳng sâm ...

- Khoáng sản

Khoáng sản ở Bắc Giang chủ yếu là các mỏ nhỏ, là nguyên liệu để phát triển công nghiệp địa phương. Khoáng sản được phát hiện gồm than, quặng sắt, đồng, khoáng chất công nghiệp, vật liệu xây dựng. Mỏ than đá ở Yên Thế, Lục Ngạn, Sơn Động có trữ lượng hơn 10 triệu tấn. Quặng sắt ước khoảng 0,5 triệu tấn ở Yên Thế, gần 100 nghìn tấn quặng đồng ở Lục Ngạn, Sơn Động. Cao lanh ở Yên Dũng, trữ lương 3 triệu tấn. Đất sét làm gạch chịu lửa phân bố nhiều ở Tân Yên, Việt Yên. Sỏi, cuội kết ở Hiệp Hòa, Lục Nam.

Du lịch

Bắc Giang không có thế mạnh về tài nguyên du lịch tự nhiên nhưng lại tương đối phong phú về tài nguyên du lịch nhân văn. Đây là một trong những lợi thế để phát triển du lịch trong tương lai. Nơi đây đang bảo tồn 102 di tích lịch sử văn hoá lớn của vùng và cả nước. Rừng núi với cảnh sắc tự nhiên cũng là một lợi thế để địa phương phát triển cả hai loại hình du lịch văn hóa và sinh thái. Tỉnh có những thắng cảnh thiên nhiên như hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần, khu du lịch Suối Mỡ, rừng nguyên sinh Khe Rỗ, thắng cảnh Nước Vàng...

Bắc Giang có nhiều ngôi đình biểu trưng văn hóa của làng xã Việt Nam như đình Lỗ Hạnh (Đồng Lỗ - Hiệp Hòa), xây năm 1576; đình Thổ Hà (Vân Hà - Việt Yên) xây dựng năm 1686; đình Phù Lão (Đào Mỹ - Lạng Giang) xây dựng thế kỷ XVII; đình Hả (Tân Trung - Tân Yên); đình Đông (Bích Động - Việt Yên); đình Dĩnh Thép (xã Tam Hiệp - Yên Thế). Ngoài ra, tỉnh còn có nhiều ngôi chùa cổ nổi tiếng như chùa Đức La (hay còn gọi là chùa Vĩnh Nghiêm, ở xã Trí Yên - Yên Dũng); chùa Bổ Đà (xã Tiên Sơn - Việt Yên); chùa Kem (xã Nham Sơn - Yên Dũng)... Ngoài những đình, chùa đã được xếp hạng di tích lịch sử, văn hoá, hầu hết các làng ở Bắc Giang đều có đình là nơi thờ cúng thành hoàng làng.

Trong tương lai, để phát triển ngành du lịch, tỉnh Bắc Giang đã đầu tư cơ sở hạ tầng, thực hiện liên kết với các tỉnh khác trong vùng, tạo môi trường thuận lợi để thu hút vốn đầu tư vào du lịch ...

Đặc sản

  • Rượu làng Vân
  • Vải thiều
  • Cơm lam (Sơn Động, Lục Ngạn)
  • Xôi nếp cẩm Mỏ Thổ
  • Bánh đúc Đồng Quan - Yên Dũng
  • Chả chó làng Dền
  • Chả cá Bố Hạ
  • Thịt lợn luộc Mai Sưu
  • Bánh mật Đức Thắng
  • Bánh dày Lục Ngạn

    Hành chính và các đơn vị trực thuộc

    Tỉnh lị là thành phố Bắc Giang.

    Các đơn vị hành chính của tỉnh gồm thành phố Bắc Giang và 9 huyện gồm Lục Ngạn; Yên Thế; Yên Dũng; Lục Nam; Sơn Động; Tân Yên; Hiệp Hoà; Lạng Giang; Việt Yên

    Lịch sử hình thành và phát triển

    Đất Bắc Giang xưa thuộc bộ Vũ Ninh, một trong 15 bộ của nước Văn Lang. Đời Tiền Lê gọi là Giang Bắc. Đời Trần đặt lộ Bắc Giang. Thời thuộc Minh là phủ Bắc Giang gồm các huyện Siêu Loại, Gia Lâm, An Định, Tế Giang, Thiện Tài, Tiên Du, Vũ Ninh, Đông Ngàn, Từ Sơn, Yên Phong, Tân Phúc, Phật Thệ, Yên Việt, tức bao gồm hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và một phần Hà Nội ngày nay. Đến nhà Lê, lúc đầu đặt Bắc Đạo, rồi thành Bắc Giang thừa tuyên. Dưới thời vua Lê Thánh Tông trị vì từ 1460 - 1497, Bắc Giang cùng với Bắc Ninh gọi chung là xứ Kinh Bắc.

    Cuối năm 1822, vua Minh Mạng đặt làm phủ Thiên Phúc, đời Tự Đức đổi thành phủ Đa Phúc, tỉnh lị ở phủ Lạng Thương, trên sông Thương. Năm 1889, thành lập tỉnh Lục Nam với phần lớn các phủ huyện của tỉnh Bắc Giang ngày nay. Đến năm 1895, tỉnh Bắc Giang được chính thức thành lập lại gồm hai phủ Lạng Giang và Đa Phúc cùng sáu huyện, về sau lại có thêm huyện Lục Ngạn. Năm 1963, tỉnh Bắc Giang và tỉnh Bắc Ninh hợp thành tỉnh Hà Bắc. Tháng 11/1996, Hà Bắc lại tách thành 2 tỉnh như cũ.

    Kinh tế

    Bắc Giang là một tỉnh miền núi nhưng có cả vùng trung du, đồng bằng xen kẽ. Lợi thế kinh tế của tỉnh là nông, lâm nghiệp, thương mại, dịch vụ, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

    • Về nông lâm nghiệp: Vùng đồi núi thấp có thể trồng được nhiều cây ăn quả, cây công nghiệp như vải thiều, cam, chanh, na  (mãng cầu), hồng, đậu tương, chè…; chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm, thuỷ sản. Vùng trung du có khả năng trồng nhiều loại cây lương thực, thực phẩm, cây ăn quả, cây công nghiệp, chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm, cá và nhiều loại thuỷ sản khác. Với quỹ đất nông nghiệp tương đối lớn cùng với sự đa dạng về khí hậu theo các tiểu vùng đã giúp Bắc Giang có điều kiện để phát triển một nền nông nghiệp hàng hoá. Nông nghiệp của tỉnh ngày càng phát triển và thu hút khoảng 60% lao động của các ngành kinh tế quốc dân, đóng góp khoảng 40% GDP của tỉnh. Về lâm nghiệp, Bắc Giang cũng có những bước phát triển đáng kể trong đó công tác trồng rừng và bảo vệ rừng ngày càng được chú trọng. Tỉnh đã từng bước khai thác có hiệu quả 70.5 nghìn ha đất trống, đồi núi trọc đồng thời triễn khai phát triển rừng theo kiểu vườn rừng, trại rừng gắn với từng hộ gia đình.

    • Công nghiệp: Bắc Giang có gần 10 cụm công nghiệp tại các huyện, thị xã. Các ngành công nghiệp chủ yếu phát triển ở Bắc Giang là công nghiệp chế biến nông, lâm sản và công nghiệp sản xuất phân bón, hoá chất; sản xuất vật liệu xây dựng; may mặc, gia công hàng xuất khẩu; cơ khí, điện dân dụng, điện tử, in; khai thác khoáng sản. Công nghiệp của tỉnh chủ yếu phân bố ở thành phố Bắc Giang.

    • Tiểu thủ công nghiệp : Các làng nghề truyền thống được khôi phục và phát triển như mây tre đan Tăng Tiến, tơ tằm Song Mai, bún Đa Mai, rượu làng Vân, mì Chũ, bánh đa Kế…

    • Dịch vụ : Hoạt động nội thương phát triển với các hình thức quốc doanh và ngoài quốc doanh. Mạng lưới chợ được phân bố tương đối đều ở các huyện. Hoạt động ngoại thương ngày càng phát triển. Tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh đạt trên hai triệu USD. Mặt hàng xuất khẩu chính là các sản phẩm nông nghiệp. Bắc Giang nhập khẩu chủ yếu là các mặt hàng xe ô tô du lịch, xe máy và các sản phẩm tiêu dùng. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường mở rộng các mặt hàng xuất khẩu hơn nữa.

    Năm 2004 tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) là 9%. Cơ cấu kinh tế ngành Nông - Lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 45%, ngành Công nghiệp - Xây dựng chiếm 20,5%, ngành Dịch vụ chiếm 34,5%. GDP bình quân đầu người vào khoảng 3,900 triệu đồng/năm. Tỉ lệ hộ đói nghèo theo tiêu chí xếp loại mới còn xấp xỉ 10%. Xuất khẩu bình quân đạt 8,8 USD/người/năm.

    Văn hóa

    Bắc Giang là vùng đất văn hóa có lịch sử lâu đời, nơi tụ cư của nhiều dân tộc cùng chung sống. Cư dân sinh sống bằng nghề nông là chính. Họ đã hình thành nên các làng, bản với kiểu thức kinh tế và kiểu thức văn hoá riêng. Từ cách trồng trọt, chăn nuôi, từ nếp ăn, nếp ở, trang phục, phong tục, tập quán...cho đến cách nghĩ, cách làm, lối sống đã tạo nên truyền thống  và đặc trưng văn hoá làng xã Bắc Giang.

    Biểu tượng nghìn đời của làng quê cổ là luỹ tre làng với ngôi chùa, ngôi đình và các đền, miếu, văn chỉ. Đó chính là những thiết chế gắn liền với tín ngưỡng thờ thành hoàng, là cơ sở tạo nên truyền thống, phong tục, tập quán, lễ hội và nội dung văn hóa của làng.

    Bắc Giang còn là vùng quê của nhiều lễ hội. Hội làng đã trở thành đặc trưng riêng của mỗi làng và được tổ chức ở hầu hết các làng xã. Hội làng tồn tại hàng nghìn năm với các nghi lễ, nội dung, hình thức riêng.

    Giao thông

    Hệ thống giao thông được phân bổ đều và thuận tiện bao gồm cả đường bộ, đường sắt và đường sông. Ngoài hai tuyến quốc lộ 1A cũ và mới chạy qua, Bắc Giang có các tuyến đường sắt từ Hà Nội qua Bắc Giang đi Thái Nguyên, Quảng Ninh và Trung Quốc. Ba con sông lớn là sông Thương, sông Cầu, sông Lục Nam tạo nên một mạng lưới giao thông thuỷ thuận tiện.


  • ©2023 Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt