<
Trang chủ » Tri Thức Việt
Từ khóa Toàn văn
Huyện Bình Chánh

Tổng quan

Bình Chánh là một trong 5 huyện ngoại thành của thành phố Hồ Chí Minh, nằm phía Tây Nam thành phố. Phía Bắc giáp huyện Hóc Môn. Phía Nam giáp huyện Bến Lứchuyện Cần Giuộc của tỉnh Long An. Phía Tây giáp huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Phía Đông giáp quận Bình Tân, quận 7, quận 8huyện Nhà Bè.

Về hành chánh, hiện nay huyện bao gồm thị trấn Tân Túc và 15 xã là: Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Phạm Văn Hai, Bình Lợi, Lê Minh Xuân, Tân Nhựt, Tân Kiên, Bình Chánh, An Phú Tây, Tân Quý Tây, Long Hưng, Quy Đức, Đa Phước, Phong Phú, Bình Hưng.

Đến Bình Chánh, du khách có thể tham quan khu căn cứ Vườn Thơm, căn cứ Láng Le Bàu Cò, chùa Bát Bửu Phật Đài và nhiều địa danh hấp dẫn khác.

Lịch sử

Năm 1820, vùng đất này thuộc huyện Tân Long, phủ Tân Bình, trấn Phiên An. Năm 1836, Bình Chánh thuộc huyện Tân Long, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định. Năm 1899, Pháp lập tỉnh Chợ Lớn, Bình Chánh được gọi là Trung Quận hay Trung Huyện của tỉnh Chợ Lớn. Đến năm 1957, mới có tên chính thức là huyện Bình Chánh, thành lập trên cơ sở tách ra từ huyện Trung Huyện. Đến năm 1960 do yêu cầu của cuộc kháng chiến Bình Chánh lại tách ra hai phần Nam, Bắc Bình Chánh: Nam gọi là Bình Chánh - Nhà Bè, Bắc nhập với Tân Bình gọi là Bình Tân. Đến năm 1972, tên gọi huyện Bình Chánh được phục hồi trên cơ sở hợp nhất Nam, Bắc Bình Chánh. Đến tháng 12 năm 2003, do sự tăng dân số cơ học và để tạo điều kiện thuận lợi để phát triển, huyện Bình Chánh tách ra một phần để thành lập quận Bình Tân.

Trong chiến tranh, Bình Chánh là địa bàn có truyền thống yêu nước và đấu tranh dũng cảm. Ngay thế kỷ 19, đây là địa bàn hoạt động của Bình Tây Đại Nguyên Soái Trương Định và các lực lượng kháng chiến khác. Những năm 1931-1945, Trung Huyện là địa bàn hoạt động của Xứ ủy Nam Kỳ, ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, Công an Nam Bộ, quân khu 7. Đặc biệt, khu vực cạnh sông Chợ Đệm, thuộc ấp 4, xã Tân Kiên  chính là nơi được Xứ ủy Nam Kỳ họp quyết định cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ngày 25-8-1945.

Trong giai đoạn kháng chiến 1954 - 1975, Bình Chánh trở thành căn cứ, là chỗ dựa của các lực lượng cách mạng, tổ chức nhiều trận đánh thọc sâu vào cơ quan đầu não của chính phủ Việt Nam Cộng Hoà ở trung tâm Sài Gòn, điển hình như cuộc tổng tiến công và nổi dậy năm Mậu Thân 1968 và chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975.

Xã hội

Giáo dục

Theo thông tin từ website huyện, năm học 2004 - 2005 trên  địa bàn huyện có 58 trường học, 777 phòng học, với 1016 lớp với các cấp, có 36.890 học sinh ở các lứa  tuổi  đến trường học và 1.424 thầy cô giáo. Tỷ lệ tốt nghiệp bậc tiểu học 99,6%, Trung học cơ sở đạt 99.42%, khối Trung học phổ thông đạt 85.09%. Trong năm học 2005 - 2006, toàn huyện có 35.687 học sinh ra lớp (tăng 982 em). Cuối năm, có địa phương hoàn thành phổ cập giáo dục bậc Trung học theo chuẩn thành phố gồm: thị trấn Tân Túc 70,48%, xã Bình Chánh 75,34%, xã Tân Kiên 72,32% còn 01 xã chưa đạt (xã Đa Phước 54%).

Ngoài hệ thống giáo dục phổ thông, trên  địa bàn huyện có 5 trung tâm học tập cộng đồng, với chức  năng làm công tác phổ cập giáo dục tại  địa phương, tuyên truyền và phổ biến các kiến thức thuộc lĩnh vực: pháp luật, sản xuất, nâng cao  đời sống và các nội dung hoạt  động phù hợp với nhu cầu của dân địa phương. Trung tâm Bồi dưỡng Giáo dục huyện Bình Chánh  đặt tại trường Nguyễn Văn Linh.

Y tế

Bệnh viện Bình Chánh được nâng cấp từ Trung tâm y tế huyện năm 2007, gồm các khoa:  Khoa khám bệnh, nội, ngoại, sản, nhi,  dược, liên chuyên khoa Mắt -Tai Mũi Họng, Răng Hàm Mặt, liên chuyên khoa bệnh xã hội lao, tâm thần, phong & hoa liễu, các khoa cận lâm sàng như: Xét nghiệm, X-quang, siêu âm, điện tim.

Tại 16 đơn xã và thị trấn trên địa bàn huyện đều có trạm y tế cơ sở. Ngoài ra, huyện còn có 1 phòng khám khu vực II ở xã Lê Minh Xuân.

Chức năng của ngành Y tế Bình Chánh là  thực hiện công tác phòng chống và điều trị bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân trong huyện và vùng lân cận. Năm 2005, huyện đã tổ chức tốt công tác điều trị và chăm sóc sức khỏe ban đầu, bình quân 1 người dân được chăm sóc về y tế 2,32 lần/người. Triển khai tốt công tác phòng chống các loại dịch bệnh như sốt xuất huyết, quai bị,…đồng thời duy trì thường xuyên công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh thực phẩm, các điểm ăn uống… 

Kinh tế

Năm 2005, kinh tế huyện đạt được những thành tựu sau:

Nông nghiệp: Hầu hết các chỉ tiêu đều xấp xỉ đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Năm 2005, giá mía tăng cao khoảng 300.000đồng/tấn đã giúp người trồng mía có lãi, so với năm 2004 tăng 60.000đ/tấn. Ngoài những cây trồng truyền thống, nông dân đang chuyển sang đầu tư hoa lan, cây kiểng với diện tích ban đầu khoảng 3.5ha.

Công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp: Giá trị tổng sản lượng thực hiện 1.020 tỷ đồng (theo giá cố định năm 1994), đạt 109,91% kế hoạch năm và tăng 128,08% so cùng kỳ.

Dịch vụ -Thương mại: Doanh số thực hiện 1.500 tỷ đồng (theo giá trị hiện hành), đạt 125,84% kế hoạch năm và tăng 42,86% so với cùng kỳ.

Năm 1996, huyện đã tập trung đầu tư xây dựng khu công nghiệp Lê Minh Xuân, khu công nghiệp Tân Tạo; tạo điều kiện xây dựng khu công nghiệp Pouyuen, khu công nghiệp Vĩnh Lộc, hợp tác tập đoàn Liên doanh của Pháp, xây dựng siêu thị Cora An Lạc.

Quy hoạch phát triển

Một số dự án trọng điểm của huyện trong quy hoạch phát triển đến năm 2010

  • Nâng cấp và mở rộng các trục giao thông đối ngoại gồm : Quốc lộ 1A, Nguyễn Văn Linh, Trịnh Quốc Nghị, Quốc lộ 50. Nâng cấp và mở rộng các trục giao thông đối nội gồm Tỉnh lộ 10, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Hữu Trí, Nguyễn Cẩn Phú, Đinh Đức Thiện, Hương lộ 11, Đoàn Nguyễn Tuân,…Xây dựng một số bến bãi tại các cữa ngõ thành phố trên địa bàn huyện.

  • Xây dựng mới khu dân cư tại thị trấn Tân Túc; các khu nhà ở gắn với các khu công nghiệp Vĩnh Lộc, Lê Minh Xuân, Phong Phú, Đa Phước… và khu đô thị Nam Sài Gòn.

  • Xây dựng khu công viên hồ sinh thái xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B diện tích 410 ha; khu công viên hội chợ triễn lãm (Nam Sài Gòn) diện tích 20 ha; sân Gold trong dự án khu đô thị Sing Việt, xã Lê Minh Xuân diện tích 210 ha; khu Bát bửu Phật đài, xã Lê Minh Xuân diện tích 50 ha; Khu công viên văn hóa Láng Le diện tích 56 ha; khu tưởng niệm Tết Mậu Thân, xã Tân Nhật diện tích 10 ha; khu công viên – cây xanh trong các dự án khu dân cư.

Giao thông

Bìnhh Chánh nằm ở cửa ngõ phía Tây của thành phố Hồ Chí Minh, có các trục đường giao thông quan trọng như: quốc lộ 1A, đường liên tỉnh lộ 10 nối liền với khu công nghiệp Đức Hoà (Long An); đường Nguyễn Văn Linh nối từ quốc lộ 1A đến khu công nghiệp Nhà Bè và khu chế xuất Tân Thuận quận 7, vượt sông Sài Gòn đến quận 2 và đi Đồng Nai; tỉnh lộ 50 nối huyện Bình Chánh với các huyện Cần Giuộc, Cần Đước (Long An).

Huyện Bình Chánh có hệ thống sông ngòi như: sông Cần Giuộc, sông Chợ Đệm, kênh Ngang, kênh Cầu An Hạ, rạch Tân Kiên, rạch Bà Hom…nối với sông Bến Lức và kênh Đôi, kênh Tẻ, đây là tuyến giao thông thủy với các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long.


©2023 Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt