A Lưới là huyện nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Thừa Thiên - Huế, là huyện có diện tích lớn nhất tỉnh. Phía Bắc giáp huyện Phong Điền và tỉnh Quảng Trị. Phía Đông giáp các huyện Hương Trà, Hương Thuỷ và Nam Đông. Phía Tây và Nam giáp Lào. Huyện A Lưới được thành lập năm 1976 trên phần đất phía Tây huyện Hương Trà và Hương Thủy cũ.
Các đơn vị hành chính của huyện bao gồm thị trấn A Lưới và 20 xã là: Hồng Thuỷ, Hồng Vân, Hồng Trung, Hồng Kim, Hồng Hạ, Bắc Sơn, Hồng Bắc, Hồng Quảng, A Ngo, Sơn Thuỷ, Nhâm, Phú Vinh, Hồng Thái, Hồng Thượng, Hương Phong, Hương Lâm, Hương Nguyên, Đông Sơn, A Đớt, A Roằng.
Huyện A Lưới là vùng rừng núi của tỉnh Thừa Thiên - Huế, có các điểm cao là Động Ngai ở giáp giới Phong Điền (1774m), động A Tây (919m). Bên cạnh đó là hệ thống các con sông: sông Bồ chảy vào sông Hương, sông Rào Lao chảy sang Lào, sông Tả Trạch ngăn cách huyện A Lưới và huyện Hương Phú.
Trên địa bàn huyện có nhiều người thuộc dân tộc Tà Ôi cư trú. Trải qua bao nhiêu biến cố nhưng đồng bào các dân tộc ít người ở đây vẫn bảo tồn được nhiều phong tục tập quán truyền thống của mình.
Huyện A Lưới là một trong những huyện nghèo của tỉnh. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế của A Lưới trong 5 năm qua khá cao và ổn định, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch rõ nét theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Lĩnh vực nông - lâm nghiệp phát triển tích cực theo hướng bền vững, nâng dần giá trị và hiệu quả trên một đơn vị diện tích, duy trì được mức tăng trưởng bình quân 11,2%/năm. So với năm 2005, tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng từ 22,2% lên 32,5% trong năm 2010; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 8 triệu đồng/năm, tăng gần gấp đôi so với năm 2005; tỷ lệ hộ nghèo từ 48,47% (năm 2005)giảm xuống còn còn 24,58% năm 2010.
Nói đến tiềm năng thì phải kể đến công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các ngành nghề đang phát triển đạt tốc độ tăng trưởng khá,bình quân16,4%/năm. Năng lực sản xuất công nghiệp được mở rộng, một số ngành công nghiệp mới phát triển như: nhà máy thủy điện A Lưới, A Lin, A Roàng với tổng công suất 249 MW; nhà máy tinh lọc cao lanh công suất 33.000 tấn/năm; 3 mỏ khai thác đá vật liệu xây dựng sản lượng 750.000m3/năm; nhà máy sơ chế cà phê công suất 4.000 tấn khô/năm; nhà máy chế biến nước lọc đóng chai...
Huyện cũng tiến tới xây dựng nhà máy sản xuất gạch Tuynen công suất 10 triệu viên/năm; nhà máy chế biến quặng vàng đa kim, xúc tiến xây dựng nhà máy thu mua, chế biến nông lâm sản, xưởng may công nghiệp huyện A Lưới để vừa tăng thêm năng lực sản xuất, tăng nguồn thu ngân sách và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Qua đó, mở ra triển vọng phân bổ lại lao động, góp phần đa dạng hóa hoạt động công nghiệp trên địa bàn.
Các ngành dịch vụ, du lịch phát triển với tốc độ tăng trưởng bình quân 12,5 %/năm. Đặc biệt, dịch vụ thương mại đang phát triển rất tốt, nhất là dịch vụ nhà hàng, nhà nghỉ, nhà trọ, khách sạn, vận tải, xăng dầu... tăng nhanh về số lượng và chất lượng dịch vụ. Hệ thống các dịch vụ phân phối hàng hóa bán lẻ được phát triển rộng khắp, đáp ứng nhu cầu hàng hóa tiêu dùng của nhân dân. Đáng chú ý là các thành phần kinh tế phát triển mạnh, nhất là kinh tế tư nhân, chiếm trên 60% tổng giá trị sản xuất của huyện, đóng góp chủ yếu vào việc phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết việc làm.
5 năm qua, tổng nguồn vốn đầu tư trên địa bàn gần 2.950 tỷ đồng, bình quân 590 tỷ đồng/năm (chỉ tiêu đại hội 400-500 tỷ đồng/năm). Riêng năm 2010, đạt 834 tỷ đồng, tăng hơn 2,5 lần so với năm 2005. Tốc độ đầu tư tăng nhanh do tập trung vào các chương trình dự án trọng điểm, hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng, chỉnh trang thị trấn và vùng phụ cận. Quá trình đô thị hóa có chuyển biến tích cực, diện mạo thị trấn và các xã ngày càng khởi sắc. Song, dù đã được tập trung đầu tư lớn như vậy, nhưng kết cấu hạ tầng vẫn còn thiếu đồng bộ, nhất là khu vực thị trấn và các trung tâm cụm xã.
Năm 2010, huyện A Lưới đã có những tiến bộ trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội và duy trì được tốc độ phát triển. Đối chiếu với các chỉ tiêu kế hoạch của năm 2010 thì huyện có 15/10 chỉ tiêu của năm đã đạt và vượt kế hoạch, trong đó đáng chú ý nhất là tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 15,5%, thu nhập bình quân đầu người đạt 8 triệu đồng, sản lượng lương thực có hạt 13.100 tấn, tổng vốn đầu tư toàn xã hội 912 tỷ đồng, thu ngân sách 8 tỷ đồng, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 1,52%, tỷ lệ hộ nghèo còn 24,58%...
Bên cạnh những kết quả đạt được như trên, huyện cũng có những yếu kém như nền kinh tế phát triển chưa bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá còn chậm; kết cấu hạ tầng tuy được tập trung đầu tư nhưng còn thiếu đồng bộ, nhất là khu vực thị trấn và trung tâm cụm xã; văn hóa - xã hội phát triển chưa toàn diện, có mặt còn hạn chế. Theo kế hoạch, năm 2011, huyện A lưới phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất 17%, thu nhập bình quân đầu người lên 10 triệu đồng, sản lượng lương thực có hạt đạt 13.200 tấn, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên dưới 1,48%, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 20%.. Ngoài ra, huyện cũng phải chú trọng công tác quy hoạch, từng ngành một phải có quy hoạch toàn diện, đồng thời làm tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án. Thực hiện nghiên cứu, tập trung chuyển đổi tập quán sản xuất cho phù hợp với đất đai, khí hậu của địa phương để tăng năng suất, đồng thời chú trọng đầu ra. Huyện cũng cần phát huy thế mạnh chăn nuôi, khuyến khích người dân làm trang trại, gia trại; chú trọng phát triển đàn bò và nâng cao chất lượng để trở thành hàng hóa, quan tâm phát triển ngành nghề, ưu tiên giải quyết nguồn nguyên liệu tại chỗ.
Huyện có tiềm năng về du lịch nên trong định hướng phát triển tương lai, huyện A Lưới cần đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ; chú trọng xây dựng trung tâm dạy nghề kết hợp với hướng nghiệp, có phương thức đào tạo mới nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động giảm tỉ lệ học sinh bỏ học, xóa bỏ tệ nạn tảo hôn, bạo lực gia đình - làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân. Xây dựng, đào tạo nguồn nhân lực, từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức, củng cố bộ máy cấp huyện, nâng cao chất lượng cán bộ cấp xã để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới. Toàn huyện phải có quyết tâm cao, sớm đưa A Lưới thoát khỏi huyện nghèo...
Đất đai màu mỡ, diện tích đất trống, đồi núi trọc còn lớn. Thời tiết khí hậu thuận lợi cho sự sinh trưởng của nhiều loại cây trồng, nhất là cây công nghiệp lâu năm như cà phê, hồ tiêu hay cây ăn quả với quy mô tập trung. Khi các vùng đất trống, đồi núi trọc được đầu tư, cải tạo thành những đồng cỏ chăn thả gia súc sẽ tạo cho A Lưới thế mạnh phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sữa và một số gia súc khác theo mô hình trang trại tập trung.
Không chỉ có đất đai màu mỡ, A Lưới còn sở hữu một nguồn tài nguyên và thảm thực vật lớn, tỷ lệ che phủ cao, trữ lượng trung bình 6-7 triệu m3 với nhiều loại gỗ quý như lim, gõ, sến, mun, vàng tâm, dổi, kiền, tùng... và nhiều loại lâm sản khác như tre, nứa, luồng, lồ ô, mây. Động vật rừng đa dạng với một số loài như sao la, chồn hương, mang, nai, ... thuộc nhóm động vật quý hiếm được bảo vệ.
A Lưới nổi tiếng về nghề dệt, nhất là kỹ xảo dệt vải đặc biệt mà không có ở bất cứ nơi nào trên thế giới bằng cách lồng các hạt cườm vào đồng thời với lúc dệt vải.
Ngoài ra, A Lưới còn có các điểm du lịch hấp dẫn như: khu rừng nhiệt đới, bản làng của đồng bào Pacô, Tà Ôi sinh sống với nhiều tập tục từ xưa vẫn còn được lưu giữ; đường Hồ Chí Minh huyền thoại; “Đồi Thịt Băm”.