Vua Đồng Khánh (同 慶) - (1864 - 1889) là vị vua thứ 9 của nhà Nguyễn, trị vì từ năm 1885 đến 1889. Hiệu của ông là Hoằng Liệt Thống Thiết Mẫn Huệ Thuần Hoàng Đế.
Vua Đồng Khánh tên là Nguyễn Phúc Ưng Thị, còn có tên là Đường và Biện. Ông là con trưởng của Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai và bà Bùi Thị Thanh, sinh ngày 12 tháng Giêng năm Giáp Tý (19/02/1864). Năm 1865 lúc được 2 tuổi, Ưng Thị được vua Tự Đức nhận làm con nuôi và giao cho bà Thiện Phi Nguyễn Thị Cẩm chăm sóc, dạy bảo.
Sau binh biến năm 1885, vua Hàm Nghi bỏ ngai vàng ra Tân Sở, triều đình Huế thương lượng với Pháp đưa Ưng Đường lên ngôi, đặt niên hiệu là Đồng Khánh. Ở ngôi được 3 năm, vua Đồng Khánh bệnh và mất vào ngày 27 tháng 12 năm Mậu Tí (28/01/1889) lúc được 25 tuổi.
Sau khi mất, bài vị vua Đồng Khánh được đưa vào thờ trong miếu Thế Miếu và có Miếu hiệu là Cảnh Tông Thuần Hoàng đế. Vua Đồng Khánh có 10 người con (6 trai, 4 gái).
Đồng Khánh là ông vua không chống Pháp. Sách của Trần Trọng Kim viết: "Vua Đồng Khánh tính tình hiền lành, hay trang sức và cũng muốn duy tân, ở rất được lòng người Pháp". Khi vua Hàm Nghi đang ở vùng Quảng Bình, quân Pháp đang tấn công về vùng đó. Vua Đồng Khánh đích thân ra tận Quảng Bình để dụ vua Hàm Nghi và các quan tùy tùng về hàng, hứa là sẽ cho cai trị 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh nhưng không thành công. Sau đó vua Hàm Nghi bị một thuộc hạ là Trương Quang Ngọc làm phản. Hàm Nghi bị người Pháp bắt rồi bị đưa đi đày ở Algérie.
Quá trình xây dựng lăng Đồng Khánh khá phức tạp. Nguyên trước đó, vào năm 1876, vua Đồng Khánh cho xây dựng Truy Tư để thờ cha. Ngôi điện này cách lăng Kiên Thái Vương khoảng 50m về phía Đông – Đông Nam. Sau khi vua Đồng Khánh chết đột ngột, vua Thành Thái ngẫu nhiên được đưa lên nối ngôi trong hoàn cảnh lịch sử và kinh tế khó khăn. Vì thế, triều Thành Thái dùng ngôi điện xây dựng dở dang ấy để thờ ông vua vắn số và chọn chỗ đất cách đó khoảng 100m về phía Tây Nam để an táng ông.
Qua lịch sử xây dựng trên, chúng ta thấy rõ ý đồ kiến trúc lăng Đồng Khánh không phải do chính nhà vua đưa ra và tổng thể mặt bằng kiến trúc lăng tẩm ấy đã không được lựa chọn quy hoạch và thiết kế trong cùng một lượt ngay từ đầu.
Trên thực tế, công việc kiến trúc lăng Đồng Khánh đã diễn ra nhiều đợt trong một giai đoạn lịch sử dài ngót 35 năm (1888 - 1923) qua bốn đời vua Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân và Khải Định. Phần lớn các công trình kiến trúc mà ngày nay chúng ta thấy khu lăng tẩm của vua Đồng Khánh đều được thực hiện dưới đời Khải Định (1916 - 1925). Sau khi lên ngôi 3 tháng, vua Khải Định đã lo việc tu sửa lăng này (tháng 8/1916).
Quá trình xây dựng lăng Đồng Khánh trải qua bốn đời vua nên vừa mang lối kiến trúc xưa vừa chịu ảnh hưởng lối kiến trúc Tây Âu.
Về mô thức kiến trúc, lăng Đồng Khánh chẳng có gì khác lạ đáng kể so với các lăng trước đó. Ở cả hai khu vực lăng và tẩm có khoảng 20 công trình kiến trúc lớn nhỏ với mật độ tương đối dày. Khu vực tẩm quay về hướng Ðông Nam, phía trước có hồ bán nguyệt để làm yếu tố “minh đường” và ngọn đồi Thiên An cách đó khoảng 3 km được dùng làm tiền án. Khu vực lăng mộ lại quay về hướng Ðông - Ðông nam, tiền án của nó là núi Thiên Thai... Nếu tượng các quan viên ở lăng Tự Đức được tạc bằng đá với cỡ người quá thấp, thì ngược lại, tượng các quan viên ở lăng Đồng Khánh chỉ được đắp bằng voi gạch với dáng cao nhưng gầy.
Các công trình mang lối kiến trúc xưa, theo kiểu “trùng thiềm điệp ốc” (nhà có nhiều bộ mái nối tiếp nhau). Tẩm điện quay về hướng Đông Nam, ngay trước mặt có đào hồ bán nguyệt để làm yếu tố “minh đường” và ngọn đồi Thiên An cách đó khoảng 3km được dùng làm tiền án. Chính điện và các nhà cửa phụ vẫn là những hàng cột sơn son thếp vàng lộng lẫy với trang trí tứ linh, tứ quí…
Tẩm điện có cấu trúc tương tự lăng mộ các vua Nguyễn tiền triều nhưng đã dùng vật liệu xi măng sắt thép. Mộ vua Đồng Khánh nằm trong 3 vòng tường thành xây gạch hình vuông. Vòng tường ngoài (25 x 25m), cao 1,6m, dày 0,5m; vòng tường thứ 2 chỉ cao 0,5m, dày 0,7m; vòng tường thứ 3 cao đến 3,4m, dày 0,6m. Cả 3 vòng tường đều trổ một cửa phía trước; sau cửa ngoài cùng có bình phong trang trí hổ phù và chữ thọ. Mộ vua xây bằng đá Thanh kiểu 1 ngôi nhà có mái, dài 4,2m, rộng 2,6m, bờ nóc và đầu hồi trang trí hình rồng, dơi và chữ thọ.
Phía trước mộ là 3 tầng sân tế rộng 25,7m, tầng sân trên dài 10m, lát gạch carô, tầng sân giữa dài 7m, tầng dưới cùng dài 5,2m, đều lát gạch Bát Tràng. Trước nữa là nhà bia hình tứ giác xây gạch, mái đúc giả ngói ống, trong dựng bia Thánh Đức Thần Công bằng đá Thanh. Bia cao 3m, rộng 1,45m, dày 0,16m đặt trên bệ cũng bằng đá Thanh cao 0,6m, rộng 0,8m, dài 2,8m. Trên bia khắc bài văn ca ngợi công đức vua cha của vua Khải Định viết năm 1916. Hai bên nhà bia là 2 trụ biểu xây gạch trát vữa xi măng.
Sân bái đình nằm phía trước nhà bia, ngoài cùng là Nghi môn kiểu tam quan đắp trụ tròn, nền sân lát gạch Bát tràng. Hai bên sân Bái đình thiết trí hai hàng tượng gồm quan văn, quan võ, ngựa, voi, mỗi bên 6 bức. Khác với tượng đá Thanh ở các lăng mộ vua Nguyễn tiền triều, tượng ở đây đắp bằng gạch và vôi vữa, hình thức tượng khá thanh mảnh. Tất cả các bức tượng đều được đặt trên các bệ vuông xây gạch.
|
Điện Ngưng Hy - Ảnh: Đào Hoa Nữ |
Công trình kiến trúc nổi bật nhất của khu vực tẩm điện là điện Ngưng Hy. Nó có giá trị cao về kiến trúc, hội hoạ và trang trí. Điện Ngưng Hy là một toà nhà kép làm theo kiểu thức chung của loại cung điện Huế, nhưng ở phần sau lại được gia tăng thêm một toà nhà thứ ba nữa (nhà hậu). Thành ra ở đây có đến 3 hệ thống vì kèo được ghép lại với nhau theo hình chữ Tam (三) với hai hệ thống máng xối ở giữa. Mặt bằng thực tế của toà nhà rất rộng, nhưng trông vẫn gọn gàng xinh xắn, có lẽ nhờ cách trang trí ở nội ngoại thất. Điện Ngưng Hy có 24 bản vẽ các bức tranh trong điển tích “Nhị thập tứ hiếu”, kể về những tấm gương hiếu thảo ở Trung Hoa. Trên các cỗ diêm, bờ nóc, bờ quyết của điện Ngưng Hy xuất hiện những phù điêu bằng đất nung với các trang trí rất dân giã như “Ngư ông đắc lợi”, “Gà chọi”. Việc xuất hiện hệ thống cửa kính nhiều màu và hai bức tranh...đã nói lên ảnh hưởng của văn hoá Tây Âu. Có giá trị đặc biệt nhất ở đây là loại đất nung tráng men màu. Loại này được phát triển mạnh ở điện Ngưng Hy để sau đó ít thấy dùng trong trang trí cung điện và lăng tẩm. Đây là một loại hình tạo tác thủ công mỹ nghệ đặc sắc và quý hiếm của địa phương.
Điểm độc đáo nữa của điện Ngưng Hy là toàn bộ hệ thống cửa, cửa sổ, các khung đố bản đều được lắp kính màu của Pháp tạo cho nội thất điện có màu sắc rất rực rỡ. Các đề tài trang trí truyền thống như bát bửu, ngũ phúc, tứ thời... được thể hiện đậm đặc ở cả nội, ngoại thất điện thông qua chạm khắc, khảm, sơn mài. Nhưng đáng nói nhất vẫn là hệ thống phù điêu bằng đất nung trang trí ở bên ngoài công trình. Những phù điêu gốm này được thể hiện cực kỳ sinh động và tràn đầy khí sắc chứ không đơn điệu, gò bó như các mô típ trang trí cung đình quen thuộc. Rõ ràng đây là sản phẩm của dòng trang trí dân gian đã tràn ngập vào chốn cung đình khi các khuôn khổ bị phá bung.
Trong khám thờ tại chính điện, ngoài bài vị vua Đồng Khánh, 2 bên tả, hữu còn thờ bài vị 2 hoàng hậu Thánh cung, Tiên cung kèm theo chân dung của họ do họa sĩ Việt Nam vẽ lúc đương thời. Trong điện còn trưng bày hơn 400 hiện vật là đồ tự khí và đồ ngự dụng của vua, hoàng hậu.
Phía trước điện Ngưng Hy, bên tả là Công Nghĩa đường, bên hữu có Minh Ân điện, đều kết cấu kiểu 3 gian 2 chái, dùng làm nơi thờ các công thần. Sau điện, 2 bên có Tả, Hữu tòng viện, cũng kết cấu kiểu 3 gian 2 chái, dùng làm nơi sinh sống của các cung phi sau khi vua mất.
|
Sân chầu - Ảnh: Đào Hoa Nữ |
Lăng cũng có nút bố cục: sân chầu, nhà bia, điện thờ và phần mộ. Trong điện thờ có nhiều trang trí trên vách bằng gốm sứ kiểu châu Âu, có bài trí thêm bằng các tác phẩm hội họa Pháp bên cạnh ngai vàng và cấu trúc không gian cổ truyền. Hầu như kiến trúc lăng được “Âu hoá” hoàn toàn từ đặc trưng kiến trúc, mô típ trang trí đến vật liệu xây dựng. Bi đình là sự biến thể của kiến trúc Romance pha trộn kiến trúc Á Đông. Tượng quan viên, gầy đắp bằng xi măng và gạch thay cho tượng đá ngói ác đoa, gạch ca rô. Năm 1917, Bái Đình được xây xong; thiết lập hai hàng tượng văn võ quan viên và voi ngựa, lát gạch giữa sân chầu, xây lan can chung quanh và dựng cửa Nghi Môn ở mặt trước.
Bài văn bia vua Khải Định viết xong năm 1916 để ca tụng vua cha được khắc vào tấm bia bằng đá Thanh, rồi được dựng ở Bi Đình vào khoảng tháng 07/1917.
Khi nhận xét chung về lăng Đồng Khánh, người ta thường khen rằng điện Ngưng Hy đã bảo lưu được nền nghệ thuật sơn mài truyền thống của dân tộc, phát huy tối đa những hình ảnh nồi bằng đất nung tráng men màu vào trong trang trí ngoại thất để có thể chịu đựng với nắng mưa, và người ta cũng thường khen rằng tổng thể kiến trúc lăng này nhỏ gọn, xinh đẹp, giản đơn, thích hợp với bối cảnh thôn trang điền dã ở xung quanh.
Nhìn chung, về hình thức thì lăng Đồng Khánh cũng được xây dựng theo mô thức tương tự các lăng mộ vua Nguyễn khác, nhưng do thiếu sự quy hoạch từ đầu nên cấu trúc hai phần lăng và tẩm có sự thiếu đồng bộ, thiếu vẻ chuẩn mực đăng đối thường có tại lăng tẩm của các vua đầu triều. Có thể nói, nét đặc sắc nhất ở lăng là sự pha trộn về phong cách Đông - Tây trong sử dụng vật liệu kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Về mặt lịch sử kiến trúc, có thể nói lăng Đồng Khánh là công trình đánh dấu sự ảnh hưởng của kiến trúc hiện đại vào kiến trúc truyền thống Việt Nam. Nó mở đầu cho kỷ nguyên kiến trúc pha trộn Âu Á, tân cổ, để rồi đặc tính này sẽ phát triển mạnh hơn ở lăng Khải Định.