Huyện Đại Từ nằm ở phía Tây - Tây Bắc tỉnh Thái Nguyên, cách thành phố tỉnh lỵ khoảng 25 km.
Huyện thuộc phủ Thái Nguyên thời thuộc Minh, đời Nguyễn thuộc phủ Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Năm 1922, sáp nhập châu Văn Lãng vào huyện Đại Từ.
Năm 1965, Thái Nguyên sáp nhập với Bắc Kạn thành tỉnh Bắc Thái, Đại Từ thành huyện của tỉnh Bắc Thái.
Năm 1996, Bắc Thái tách thành 2 tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên, Đại Từ trở thành huyện của tỉnh Thái Nguyên.
Đại Từ nằm trong toạ độ từ 21030 đến 21050 vĩ độ bắc và từ 105032 đến 105042 độ kinh đông; phía Bắc giáp huyện Định Hoá; phía Nam giáp huyện Phổ Yên và thành phố Thái Nguyên; phía Đông giáp huyện Phú Lương; phía Tây giáp 2 tỉnh Tuyên Quang và Phú Thọ.
Địa hình Đại Từ chủ yếu là đồi, núi.
Nhiệt độ bình quân từ 220C - 270C, lượng mưa trung bình từ 1.700 - 1.800 mm/năm, độ ẩm trung bình 70% - 80%.
Đại Từ có than ở các xã Yên Lãng, Hà Thượng, Phục Linh, Minh Tiến, An Khánh, Cát Nê, trữ lượng lớn tập trung ở mỏ Làng Cẩm và mỏ Núi Hồng (khoảng 17 triệu tấn); quặng thiếc ở Hà Thượng, Phú Xuyên, La Bằng. Ngoài ra, Đại Từ còn có vàng, chì, kẽm, ba rit, py rit, granit, đất sét, đá, cát, sỏi… phân bố ở nhiều xã trong huyện.
Đất đai ở Đại Từ Cây thích hợp trồng các loại cây như: lúa, ngô, chè, lạc, đậu tương, vải, nhãn, dưa hấu…
Trên địa bàn Đại Từ có quốc lộ 37 nối Đại Từ với huyện Sơn Dương của tỉnh Tuyên Quang và tuyến đường sắt Núi Hồng - Quán Triều chạy qua.
Đại từ có 31 đơn vị hành chính gồm 2 thị trấn Đại Từ, Quân Chu và 29 xã: Minh Tiến, Phúc Lương, Phú Cường, Đức Lương, Yên Lãng, Na Mao, Phú Lạc, Phú Thịnh, Bản Ngoại, Tân Linh, Phục Linh, Phú Xuyên, La Bằng, Tiên Hội, Hoàng Nông, Khôi Kỳ, Bình Thuận, Lục Ba, Hà Thượng, Hùng Sơn, Cù Vân, Tân Thái, An Khánh, Mỹ Yên, Vạn Thọ, Văn Yên, Ký Phú, Cát Nẽ và Quân Chu.
Đại từ là nơi cư trú của các dân tộc: Kinh, Tày, Nùng, Dao, Sán Dìu.
 |
Đồi chè ở Đại Từ. Ảnh: kinhtenongthon. |
Người Tày thường sống quanh khu vực đồi cao hoặc ven suối trong những ngôi nhà sàn có bộ sườn làm theo kiểu vì kèo 4, 5, 6 hoặc 7 hàng cột. Nhà có 2 hoặc 4 mái lợp ngói, tranh hoặc lá cọ, xung quanh thưng bằng ván gỗ hoặc che bằng liếp nứa.
Y phục của người Tày làm từ vải sợi bông tự dệt, nhuộm chàm và rất ít hoạ tiết trang trí. Phụ nữ Tày mặc váy hoặc quần, có áo cánh ngắn ở bên trong và áo dài ở bên ngoài.
Người Tày sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước, lúa nương, hoa màu, cây ăn quả và nuôi gia súc, gia cầm. Ngoài ra, người Tày còn có nghề thủ công là dệt thổ cẩm.
Vào các dịp lễ, hội, người Tày thường chơi những trò chơi như: tung còn, đánh cầu lông, kéo co, múa sư tử, đánh cờ tướng...
Đại Từ có những thắng cảnh nổi tiếng như khu du lịch hồ Núi Cốc, khu di tích lịch sử Núi Văn - Núi Võ, di tích 27/7 Hùng Sơn, khu du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Tam Đảo…
Đại Từ phấn đấu đến năm 2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 12%; giá trị sản xuất nông nghiệp tăng trên 4,51%; giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tăng trên 20%; dịch vụ tăng trên 18%; thu ngân sách trên 39 tỷ đồng; sản lượng lương thực đạt 70 nghìn tấn; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 16%; giải quyết việc làm cho trên 2.600 lao động.