<
Trang chủ » Tri Thức Việt
Từ khóa Toàn văn
Sông Đà Rằng

Sông Đà Rằng là đoạn cuối của sông Ba, từ Đồng Cam đổ ra biển. Sông chảy ở phía Nam huyện Phú Hoàthành phố Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên. Có hai cầu bê tông nối tiếp bắc qua, dài 1075m và 166m ngăn cách bởi bãi nổi qua một cửa sông Đà Rằng, thuyền chì đi được ở khúc dưới dài khoảng 30 km, còn trở lên bị bậc đá ngăn trở.

Nguồn gốc tên gọi

Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, một nhà nghiên cứu các dân tộc thiểu số Việt Nam ở Pháp cho rằng vùng đất Phú Yên là tiểu quốc Aryaru của vương quốc Chămpa. Còn cố giáo sư Trần Quốc Vương thì công bố trong một hội thảo khoa học tại Phú Yên ngày 30-11-2004 rằng: Vùng đất Phú Yên nay là tiểu quốc Mundu được thể hiện trong Đường Thư (Trung Quốc) là Môn Độc Quốc. Có thể Aryaru và Munda là hai cách họi khác nhau của một tiểu quốc xưa mà sau này vua Lê Thánh Tôn gọi là Hoa Anh.

Tên gốc Chăm về vùng đất Phú Yên không có ý nghĩa đối với việc hình thành địa danh Phú Yên.

Tuy nhiên, địa danh Rarang (sông Rarang và vùng đất Rarang – châu thổ sông Ba) là có ý nghĩa. Rarang là dòng sông lớn; Ra được biến âm là Đà – có nghĩa là lớn; Rang là con sông. Rarang hay Đà Rằng là con sông lớn. Quả thật vậy, Đà Rằng là con sông lớn nhất của vương quốc Chămpa cổ và cũng là con sông lớn nhất miền Trung. Rarang là dòng sông nối biển xanh với thượng nguồn, là gạch nối giữa đồng bằng và châu Thượng Nguyên (Thủy Xá, Hỏa Xá, Tây Nguyên ngày nay), Thủy Xá, Hỏa Xá (tức vùng đất cư trú của người Êđê, Gia Rai, Ba Na ở Tây Nguyên hiện nay) gọi sông Ba là Krông Pa.

Người Việt chính thức vào đất Phú Yên năm 1578 và có thể trước đó tỏng thời kỳ kimi (ràng buộc lỏng lẻo) từ khi vua Lê Thánh Tôn chinh phục kinh đô Đồ Bàn đến khi Phù nghĩa hầu Lương Văn Chánh mở đát Phú Yên (1471-1578). Người Việt xưa cũng như nay ý thức sâu sắc rằng, bề dày văn hóa một vùng đất (trong đó có ngôn ngữ) không chỉ là của tộc người chiếm đa số, mà còn là của các tộc người đã từng sinh sống trên vùng đất này. Bởi vậy, tiếng Việt gọi sông Ba từ đoạn Thành Hồ (thành quân sự lớn nhất của người Chăm ở Nam Trung bộ) ra đến biển là sông Đà Rằng, còn từ đó ngược về thượng nguồn là sông Ba (Krông Pa). Người Việt còn giải thích địa danh sông Ba là con sông đã hợp lưu cùng một điểm ba dòng sông: Krông Pa, Krông Năng và Cà Lúi (điểm hợp lưu này ở địa đầu Tây Nam Phú Yên, vị trí địa đầu của châu Thượng Nguyên xưa). Ngày nay, hai địa danh sông Ba và sông Đà Rằng cùng song song tồn tại. Đoạn ở thượng nguồn gọi là sông Ba, khúc sông hạ nguồn gọi là Đà Rằng. 

Đặc sản sông Đà Rằng

Cá bống là đặc sản đậm đà chất quê của vùng sông nước Ðà Rằng, Phú Yên. Thịt cá bống trắng như bông bưởi, là món ngon và quý với người dân địa phương. Sông Ðà Rằng có nhiều loại cá bống sinh sôi như cá bống cát, cá bống dồ... Cá bống bắt về còn tươi roi rói, lựa những con lớn bằng cổ tay để riêng, hoặc nướng suông hoặc dành ra bốn, năm con là có thể nấu một nồi cháo vừa thơm vừa bổ cho cả nhà dùng vào bữa tối. Ai đã từng ăn cháo cá bống ở đây dù khó tính đến đâu cũng sẽ nhớ vì mùi vị của nó không giống bất cứ thứ thực phẩm nào khác. Thịt cá bống trắng tinh, không tanh mà lại thơm, thêm chút tiêu, hành, ăn nóng, những người già, người bị bệnh ăn mau lại sức, còn đối với các mẹ, các chị hay kiêng thì món cháo cá bống là món ăn quý.
Cá bống còn có thể làm nhiều món ăn đơn giản nhưng rất đặc trưng không lẫn vào đâu được: hấp cách thủy, kho tiêu, chiên xù, đặc biệt hiện nay,với sự đa dạng, các món gỏi được chế biến từ cá bống là đặc sản, lành, an toàn. Cá bống đem về làm vẩy cho sạch, để ráo nước, dùng dao xẻ lấy thịt hai bên. Thịt cá bống trắng như bông bưởi được xắt ra thành miếng nhỏ ướp vào đá lạnh khoảng nửa giờ. Trộn cá với nước mắm, ớt, tỏi được giã nhuyễn, mà phải là nước mắm cốt và nhiều chanh mới ngon. Các loại rau thơm được hái tỉa từ vườn nhà sẽ làm cho món gỏi cá bống thêm bắt mắt. Mầu xanh của rau thơm chen lẫn mầu đỏ tươi của ớt chín sẽ làm nổi bật lên mầu trắng tinh của thịt cá bống.

Những người đã từng sinh ra và lớn lên ở vùng hạ lưu sông Ðà Rằng, nếu phải sống xa nhà chắc chắn sẽ không tránh khỏi bồi hồi và không thể nào quên được những món ăn giản dị, đơn sơ nhưng rất đậm đà, gần gũi, được chế biến từ con cá bống quê nhà.


©2023 Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt